Thứ Hai, 30/05/2022, 13:23 (GMT+7)
.

10 nhóm hàng hóa kéo chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,38%

Xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2022 tăng 0,38% so với tháng 4, theo Tổng cục Thống kê.

45
Giá xăng dầu tăng là một trong những yếu tố “đẩy” chỉ số CPI tháng 5. Ảnh minh họa: Vũ Lê

Cơ quan này cho biết có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước, 1 nhóm hàng giảm giá.

Cụ thể, các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu với mức 5,93% và 3,99% trong tháng 5 khiến CPI của nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,34%. Điều này làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.

Giá nhiên liệu tăng cũng kéo giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% so với tháng trước. Cụ thể, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 1,91%, giá xe buýt tăng 0,99%, giá taxi tăng 0,97%, giá đường sắt tăng 0,37%, giá đường thủy tăng 0,27%.

Ngoài ra, giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%. Còn giá thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%, giá phụ tùng tăng 0,17%.

Nhóm đóng góp lớn nhất vào chỉ số CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng ghi nhận mức tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

Cụ thể, lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào và giá cước vận chuyển tăng.

Bên cạnh nhóm mặt hàng lương thực, nhóm đồ uống, thuốc lá cũng có sự điều chỉnh về giá do nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng.

Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,74% trong bối cảnh giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 3,15%, giá khách sạn và nhà khách tăng 0,94% do nhu cầu du lịch tăng trở lại.

Chỉ số giá nhiều nhóm hàng hoá trong tháng đi lên là lý do khiến CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng mức này lại thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.

Còn lạm phát cơ bản tăng 1,1%, thấp hơn mức CPI bình quân chung.

Kết quả này, theo Tổng cục Thống kê, cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.

Giá vàng trong nước tháng 5 cũng biến động cùng chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 25-5, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.845 đô-la Mỹ một ounce, giảm 4,6% so với tháng trước do đồng đô-la mạnh lên và lợi suất trái phiếu tăng trở lại làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5 giảm 0,52% so với tháng trước.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.