Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Quyết liệt cắt, chuyển vốn của dự án "ì ạch"
Khối lượng vốn đầu tư công năm 2022 trên 700.000 tỷ đồng, tăng gần 200.000 tỷ đồng so với những năm trước, nhưng tốc độ giải ngân còn chậm.
Ước tính đến ngày 31-5, cả nước mới chỉ giải ngân khoảng 22,37%. Từ giữa tháng 5, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2-5-2022), 6 tổ công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra, làm việc với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân kịp tiến độ.
Điệp khúc dự án chậm tiến độ
Tại miền Trung, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án thành phần đầu tiên của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2021). Dự án dài 98,35km, đi qua tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế, với tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9-2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021 nhưng liên tục bị chậm tiến độ, nhất là tại 2 gói thầu XL05, XL06 (trong tổng 9 gói thầu) do thiếu hụt gần 800.000m3 đất đắp nền, bên cạnh tác động tăng giá vật liệu và dịch Covid-19…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (bìa trái) đi kiểm tra hiện trường dự án đường tỉnh 918 trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: TÍN HUY |
Sau nhiều lần đốc thúc tiến độ, nhất là sau chỉ đạo của Thủ tướng, dự án được dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2022. Những ngày qua, trên công trường 2 gói thầu này, nhiều tốp công nhân cùng phương tiện đang hối hả thi công, bù tiến độ.
Đánh giá tổng thể giai đoạn 1 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, bồi thường đạt 100%. Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời, còn vướng mắc khoảng 2,6km. Tổng khối lượng xây lắp đến nay đạt khoảng 20.087 tỷ đồng, tương đương 35,4% trị giá hợp đồng, chậm khoảng 0,7% trị giá hợp đồng so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án phải hoàn thành năm 2022 có sản lượng đạt 53,4% trị giá hợp đồng, chậm 2,6%.
Xuôi về phía Nam, dự án đường ven biển từ TP Rạch Giá đi Hòn Đất (Kiên Giang) gần 21km (trên tuyến có 13 cây cầu), tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1-2020, dự kiến 2 năm hoàn thành. Tuy nhiên, tiến độ thi công rất chậm, nhiều khả năng phải gia hạn tiến độ. Năm 2022, dự án này được tỉnh bố trí 200 tỷ đồng, song đến cuối tháng 4 mới giải ngân được 8 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch vốn.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở 2 là một trong những dự án của TPHCM được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ có quy mô 500 giường, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hungary (56,9 triệu EUR) và một phần vốn đối ứng của TP Cần Thơ, hiện đạt trên 82% tổng khối lượng thi công. Tuy nhiên, do phát sinh vướng mắc, trong khi thời gian thực hiện dự án theo hiệp định khung đã được ký kết giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Hungary sẽ kết thúc vào ngày 11-7-2022, nên TP Cần Thơ đã đề xuất điều chỉnh thời gian trong hiệp định vay này từ 3,5 năm lên 6,5 năm (có hiệu lực từ ngày 11-9-2019 đến ngày 1-7-2025) để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án.
Chậm phân bổ vốn, vướng mắc thủ tục đầu tư
Theo Báo cáo số 4257/BTC-ĐT của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tính đến cuối tháng 5-2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, có 5 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%; có 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% và có 5 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Còn theo Bộ KH-ĐT, việc giải ngân chậm trước tiên do vướng mắc trong phân bổ vốn. Số vốn chưa phân bổ được của Bộ GTVT là lớn nhất, trong đó có 4.980 tỷ đồng của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông do chưa phê duyệt được quyết định đầu tư. Bộ Y tế cũng “vướng” gần 1.000 tỷ đồng liên quan đến thủ tục đầu tư của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện cơ sở Việt Đức…
Phó Thủ tướng Thường trực PHẠM BÌNH MINH: Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các địa phương phải rà soát, chủ động điều chuyển vốn giữa các dự án; chủ động đề xuất điều chuyển vốn nếu không thể triển khai được; tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong đầu tư công, nếu có bất cập về thể chế thì gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp, đề xuất điều chỉnh chung trên cả nước. |
Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nguyên nhân việc chậm trễ này đã được lãnh đạo các bộ ngành thẳng thắn nhìn nhận. Theo đó, các dự án thuộc Bộ GD-ĐT quản lý bị chậm là do chất lượng chuẩn bị hồ sơ dự án chưa kỹ lưỡng nên gặp vướng mắc khi triển khai. Với Bộ VH-TT-DL, do việc giao vốn ngân sách nhà nước quá trễ. Còn theo Bộ LĐTB-XH, nhiều dự án vốn ODA đang bị chậm do quy trình, thủ tục còn phức tạp, nhất là trong trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung nội dung dự án. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đánh giá, cơ cấu tổ chức bộ máy trong lĩnh vực này, từ tư vấn, quản lý dự án, gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều xáo trộn khi triển khai thực hiện; sự phối hợp trong nội bộ và giữa các bộ ngành chưa được nhịp nhàng, thông suốt…
Tại các cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với các bộ ngành, địa phương, lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, các địa phương cho rằng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thiếu nguyên vật liệu, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao nên nhà thầu thi công cầm chừng; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của nhiều dự án thực hiện chậm; việc kiểm tra, giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chưa xử lý đối với những trường hợp chậm tiến độ…
Một số địa phương đề xuất Trung ương cần có chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đẩy nhanh triển khai các dự án. Chẳng hạn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện mất rất nhiều thời gian do phải trình Trung ương.
Bộ KH-ĐT đề xuất 4 giải pháp Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận đến ngày 30-6 sẽ rà soát lại toàn bộ số vốn không phân bổ chi tiết được, kiên quyết điều chuyển từ chỗ “không tiêu được” sang chỗ đang cần sử dụng. Bộ KH-ĐT cũng đề xuất 4 giải pháp chính thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Thứ nhất, đối với số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ của 12 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương, kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH-ĐT có văn bản yêu cầu các cơ quan trên cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, rà soát, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao ngay được kế hoạch năm 2022. Đối với vốn ngân sách địa phương, Bộ KH-ĐT trình Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương này khẩn trương phân bổ vốn ngân sách địa phương năm 2022 cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc chậm phân bổ kế hoạch vốn. Thứ hai, người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên… Thứ ba, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững. Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư như kiểm soát chi ngân sách nhà nước, hồ sơ thẩm định dự án, đơn rút vốn nhà tài trợ nước ngoài. |
Theo sggp.org.vn