Thứ Sáu, 06/05/2022, 14:44 (GMT+7)
.

Đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng

Thời gian qua, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức hoạt động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; trong đó, có những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình kết nối cung - cầu, tham dự các kỳ hội chợ…

Tham gia hội chợ là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tham gia hội chợ là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đây được xem là điểm nhấn quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động).

TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tiền Giang, thời gian gần đây, hơn 70% sản phẩm Việt được bày bán tại các chợ ở vùng nông thôn. Thông qua các phiên chợ hàng Việt, những kỳ hội chợ, những chương trình kết nối cung - cầu…, các doanh nghiệp trong tỉnh đã được nhiều tiểu thương ở các chợ huyện, chợ xã đến đăng ký làm đại lý, phân phối hàng Việt. Các doanh nghiệp tham gia các phiên chợ hàng Việt đều khẳng định, đưa hàng Việt về nông thôn, những kỳ hội chợ, kết nối cung - cầu… là chương trình hay, mang ý nghĩa thiết thực.

Tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại Hội chợ Mua sắm và Ẩm thực hàng Việt Nam - Thái Lan diễn ra vào cuối tháng 4-2022, anh Lê Trung Hiếu, chủ Cơ sở sản xuất nem, chả lụa Ngọc Thành (phường 4, TP. Mỹ Tho) cho biết, khi tham gia hội chợ doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP, góp phần đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua hội chợ lần này, cơ sở có cơ hội tìm kiếm nhà phân phối, đại lý tiêu thụ sản phẩm rộng rãi khắp các tỉnh, thành. Từ đó, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn, tạo điều kiện để cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm.

Thực tế cũng cho thấy, một số cơ sở do mới thành lập, thông qua hội chợ đã giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Cơ sở sản xuất Long Tuyền Phụng (phường 9, TP. Mỹ Tho) là một minh chứng. Đây là cơ sở của thanh niên khởi nghiệp, thuộc Câu lạc bộ Khởi nghiệp TP. Mỹ Tho, được hỗ trợ tạo điều kiện trưng bày và bán sản phẩm tại hội chợ miễn phí.

Anh Cao Hữu Tài, chủ cơ sở chia sẻ, đến với hội chợ lần này, cơ sở tham gia bày bán 2 sản phẩm là nước cơm rượu và cơm rượu. Tại hội chợ, người tiêu dùng được trải nghiệm dùng thử sản phẩm, từ đó cảm nhận, đánh giá và quyết định lựa chọn. Có khách mua sản phẩm ngay sau khi dùng thử, một số khách sau đó quay trở lại tìm mua. Nhờ tham gia hội chợ, cơ sở bán được nhiều sản phẩm hơn.

Theo nhận định chung của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tiền Giang, Cuộc vận động đã tác động tích cực đến cách nhận diện hàng hóa, người tiêu dùng có thiện cảm hơn đối với hàng nội. Chị Bùi Ngọc Bích Ngân (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) chia sẻ, sản phẩm hàng Việt ngày càng đa dạng. Mỗi khi mua sắm, chị thường chọn hàng có xuất xứ trong nước, giá các mặt hàng cũng phù hợp túi tiền, chưa kể hàng nhập khẩu khó biết rõ nguồn gốc.

KHÔNG NGỪNG CẢI TIẾN

Theo số liệu thống kê gần đây của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh có trên 85% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có đến 90% là hàng Việt. Sản phẩm thuốc, dụng cụ y tế chiếm trên 70% trong các bệnh viện và sử dụng của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải, kết quả này là nhờ tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến huyện. Trong đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, những chương trình kết nối cung - cầu, những hội chợ… đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng là một trong những hoạt động hiệu quả nhất, giúp người dân tiếp cận được với hàng Việt có chất lượng tốt và giá hợp lý nhất.

Tham gia hội chợ là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tham gia hội chợ là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Theo nhận định chung, Cuộc vận động không chỉ tác động đến người tiêu dùng, mà còn tác động đến hướng kinh doanh, phân khúc thị trường của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trước nay chỉ chú ý đến thị trường xuất khẩu, các thành phố lớn, mà bỏ quên thị trường tiềm năng rất lớn là thị trường nông thôn; bởi Việt Nam hiện có khoảng 80% dân số sống ở nông thôn. Như vậy, những chuyến hàng Việt về nông thôn, những kỳ hội chợ, những chương trình kết nối cung - cầu là hoạt động thật sự có ý nghĩa với người tiêu dùng.

Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến việc đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm hướng đến sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã với giá thành cạnh tranh. Đây được xem là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng chú ý tham gia chọn lựa và ủng hộ hàng Việt.

Bên cạnh đó, chất lượng, giá, mẫu mã sản phẩm là vấn đề mà người tiêu dùng hết sức quan tâm. Nếu sản phẩm kém chất lượng, nhưng có giá tốt, người tiêu dùng cũng ngán ngại; ngược lại chất lượng tốt nhưng giá, mẫu mã không ổn thì khách hàng cũng không lựa chọn. Cho nên song hành với khâu tuyên truyền, vận động thì doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm cải tạo mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

LÝ OANH

.
.
.