.

Hỗ trợ nông dân, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Cập nhật: 17:26, 29/05/2022 (GMT+7)

(ABO) Đó là chủ đề của Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức vào sáng 29-5.

Tham dự tại điểm cầu chính có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền tỉnh Sơn La.

Dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và nông dân, hợp tác xã tiêu biểu.

A
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

ĐỐI THOẠI DÂN CHỦ, THẲNG THẮN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, cùng cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, để cùng ngành Nông nghiệp, cùng nông dân giải quyết các khó khăn đang hiện hữu và cả những khó khăn trong tương lai có thể xuất hiện mà chúng ta chưa dự báo được.

Đồng thời, phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc. Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên.

Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…

Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy.

“Sau cuộc đối thoại này, cần tiếp tục đối thoại để nhìn lại sau 1 năm xem chúng ta giải quyết được những vấn đề gì, hiệu quả ra sao. Cuộc sống là như vậy, luôn luôn có vận động và phát sinh những vấn đề mới, quan trọng nhất là phải luôn bình tĩnh để có phương án giải quyết” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm.

Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

9 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP LỚN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tạo cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng. Đồng thời, Thủ tướng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Một là, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tập thể: Nghị quyết tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn 2045; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng sau khi ban hành.

Hai là, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Ba là, phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Bốn là, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn.

Năm là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư...

Các bộ, ngành, cơ quan, nhất là Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hằng ngày với người dân quán triệt tinh thần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả trong nông nghiệp.

Sáu là, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm và giảm chi phí. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo nắm bắt thị trường, giúp người nông dân định hướng năm nay trồng cái gì, năm sau trồng cái gì, tránh cung vượt cầu, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Tám là, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Chín là, tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người nông dân, nhất là những vướng mắc về cơ chế chính sách, nhằm hỗ trợ bà con nông dân phát triển chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

LÊ MINH


 

 

 

 

.
.
.