Thứ Năm, 26/05/2022, 15:33 (GMT+7)
.

Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

(ABO) Sáng 26-5, tại TP. Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Tham dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong.

Theo thống kê, hiện ĐBSCL đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm.

Mặc dù có đủ các loại hình vận tải “sông - biển - bộ - hàng không”, nhưng hệ thống logistics khu vực này lại thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế.

ĐBSCL thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu; thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn...

Tháo gỡ điểm ghẽn về hạ tầng giao thông để phát triển logistics.
Tháo gỡ "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông để phát triển logistics.

Sở hữu hệ thống kinh, rạch vô cùng dày đặc, nhưng do đặc trưng luồng lạch khác biệt giữa các địa phương nên nhìn chung, khu vực ĐBSCL không hình thành tuyến vận tải thủy nội địa có tải trọng riêng biệt.

Các sà lan không thể vận tải tối đa tải trọng cho phép do hạn chế chiều cao tĩnh không của những cây cầu, trọng tải sà lan chỉ ở mức từ 1.500 - 3.500 tấn.

Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP. Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Theo thống kê của VLA, 13 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng DN logistics của cả nước.

DN cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các DN nông nghiệp mà đặc biệt là DN thủy sản tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình.

Điều này làm gia tăng chi phí cho các DN, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL đang được quan tâm đầu tư.
Hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL đang được quan tâm đầu tư.

Theo Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) Nguyễn Phương Lam, đến nay, ĐBSCL đang được đặc biệt quan tâm.

Dự kiến trong 3 - 5 năm nữa, vùng sẽ có tuyến cao tốc thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, kế đến là Cà Mau, Châu Đốc (tỉnh An Giang); luồng Định An sẽ được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL hình thành. Đó sẽ là “thời cơ vàng” thứ 2 cho ĐBSCL trong 2 thập niên tới, đặc biệt là cho ngành logistics và cảng biển bứt phá.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, để phát triển logistics trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các DN logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô.

Đặc điểm của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn còn hạn chế. Do đó, những dịch vụ logistics rất quan trọng mà người sản xuất ở vùng này cần đến đó là dịch vụ về cung ứng đầu vào, dịch vụ tư vấn kế hoạch thu hoạch, phân phối, marketing…

Phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng, nắm bắt nhu cầu khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics là xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là nhờ công nghệ dữ liệu lớn cho phép tối ưu hóa từng quá trình logistics.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo hướng tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh làm động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường logistics.

Đồng thời, sử dụng, đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cần thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.

Mặt khác, để phát triển logistics cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải.

Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải hàng hải một mặt đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho ngành; gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt là khâu thủ tục hải quan và tại biên giới, phát triển các cổng thông tin logistics, EDI, e-logistics...

M. THÀNH

 

.
.
.