Thứ Tư, 18/05/2022, 08:58 (GMT+7)
.

Sức mua tăng, ngành bán lẻ phục hồi

Sau thời gian ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian gần đây sức mua bật tăng trở lại, khiến ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ. Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 ngàn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

a
Người dân đi mua sắm tại MM Mega Market An Phú, An Khánh, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tăng cả cung lẫn cầu

Khác hẳn cảnh buồn tẻ lúc dịch Covid-19 hoành hành, trong những tháng gần đây, nhất là dịp lễ lớn 30-4 vừa qua, TPHCM đã chứng kiến cảnh mua sắm náo nhiệt trở lại tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Những trung tâm mua sắm lớn như Aeon, BigC, Emart, MM Mega, hay hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Satra… đã xuất hiện cảnh khách hàng đông đúc, xếp hàng chờ đợi để được tính tiền. Đại diện Aeon Việt Nam cho biết, trong dịp lễ vừa qua cho đến nay, các địa điểm kinh doanh trên toàn quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Đơn cử, tại Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon - Tân Phú, lượng khách và sức mua tăng 30% so với các dịp cuối tuần của mấy tháng đầu năm. “So với dịp lễ 30-4 năm 2021, lượng khách đến với  Aeon - Tân Phú dịp lễ năm nay ghi nhận tăng khoảng 30% và sức mua tăng khoảng 50%”, bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Tân Phú, chia sẻ. Trước đó, dự báo lượng khách hàng sẽ tăng mạnh nên Aeon Việt Nam đã có kế hoạch tăng sản lượng hàng hóa, tăng cường thêm nhân lực để đảm bảo các hoạt động phục vụ khách hàng mua sắm, vui chơi trong suốt dịp lễ.

Tương tự, hệ thống BigC, MM Mega cho biết, đến nay, lượng khách hàng đến mua sắm, đặc biệt khách lẻ tăng mạnh. “Sức mua hiện nay ngang bằng, hoặc có thời điểm cao hơn lúc chưa xảy ra dịch Covid-19”, đại diện MM Mega phấn khởi nói. Đáng chú ý, tại các hệ thống này ghi nhận xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được ưu tiên, các giao dịch thanh toán thẻ, ví điện tử… tăng mạnh.

Dù lượng khách tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ghi nhận tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng vẫn ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường. Thay vào đó là các chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1, hay mua 2 thanh toán 1; nhiều mặt hàng từ lương thực thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang giảm đến 50% nhằm kích cầu trong mùa hè này.

Liên quan đến giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động đến hàng hóa đầu vào, đại diện các siêu thị cho biết, sẽ kìm giá do đã có kế hoạch làm việc với nhà cung cấp để thống nhất giá dài hạn từ trước, ít nhất 1-6 tháng. Vì vậy, những thay đổi ngắn hạn về giá xăng sẽ không ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong ngắn hạn. “Nếu nhà cung cấp có yêu cầu tăng giá, chúng tôi sẽ tìm hiểu giá thị trường và đàm phán lại với nhà cung cấp. Thời gian đàm phán lại cũng không thể một sớm một chiều. Chưa kể, hầu hết trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị hiện nay đều nằm trong Chương trình bình ổn giá của TPHCM nên sẽ chưa thể tăng ngay trong ngắn hạn”, đại diện BigC khẳng định.

a
Các trung tâm thương mại nhộn nhịp trở lại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Động lực tăng trưởng

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng vừa qua có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 vừa qua đạt 455,5 ngàn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước đó và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 ngàn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, và riêng lương thực, thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng.

Tuy nhiên, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình trong cùng thời gian trên lại giảm lần lượt 3,5% và 4,6% so với cùng kỳ, do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Riêng các dịp nghỉ lễ kéo dài (Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30-4 và 1-5), cùng với nhiều chương trình kích cầu du lịch trong nước được triển khai nên nhu cầu du lịch, dịch vụ của người dân tăng đáng kể.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, nhưng do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước như phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thép xây dựng tăng so với tháng trước. Giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng như xăng dầu tiếp tục được điều hành theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới, nhưng hạn chế biên độ biến động để bình ổn thị trường trong nước. Giá gas trong tháng 4 cũng được điều chỉnh tăng theo giá thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành bán lẻ, tình hình khách hàng quay trở lại mua sắm ngày càng tăng trong những tháng vừa qua là động lực dẫn dắt thị trường hồi phục bình thường trở lại. “Với tốc độ tăng GDP được Chính phủ đặt mục tiêu vào khoảng 6%-6,5% trong năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ lấy lại mức tăng trưởng của mình như trước Covid-19”, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam Furusawa Yasuyuki lạc quan nhận định. Với tình hình hiện tại, giới phân tích đánh giá, Việt Nam là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng và thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.