Thứ Sáu, 20/05/2022, 21:10 (GMT+7)
.

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 5,2 - 6,2%

Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

a
GS-TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 đã được Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội công bố sáng nay, 20-5. Bản báo cáo lần này có chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”.

Đáng lưu ý, VEPR đã dự báo 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2022.  

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, VEPR đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.

a
 

Thứ nhất là các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.

Thứ hai là áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh.

Thứ ba là rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là rất lớn.

Thứ tư là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách “Zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam.

Thứ năm là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.

Từ đó, VEPR đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch còn có thể diễn biến phức tạp, việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ phục hồi kinh tế cần phải được ưu tiên.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, có đánh giá đầy đủ và có các biện pháp ứng phó kịp thời với vấn đề nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với chính sách “Zero Covid”, xung đột Nga - Ukraine leo thang và các rủi ro khác có thể xảy ra.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí… đã có tại chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022- 2023; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều hòa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn của chương trình phục hồi và nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất song cần gắn chặt với việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu...

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.