Tháo "điểm nghẽn" để Gò Công Tây bứt phá
Dù đối mặt nhiều khó khăn, nhưng với sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã ra mắt huyện NTM đúng tiến độ. Không bằng lòng với thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục nỗ lực đưa Gò Công Tây bứt phá.
ĐÂU LÀ “ĐIỂM NGHẼN”
Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, huyện Gò Công Tây đã đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Nổi bật là đã xây dựng thành công huyện NTM, 12/12 xã duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí NTM, Thạnh Nhựt duy trì đạt chuẩn xã NTM nâng cao; ra mắt xã NTM nâng cao Long Vĩnh, thị trấn Vĩnh Bình duy trì đạt chuẩn đô thị văn minh…
Diện mạo của huyện có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng KT-XH phát triển nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao… Dù vậy, kinh tế - đô thị huyện vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Cần tập trung đầu tư cho thị trấn Vĩnh Bình tạo lực thu hút đầu tư. |
Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng cho rằng, “điểm nghẽn” lớn nhất của huyện là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tạo được tính kết nối. Hạ tầng cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, như điện, nước, cầu đường... trong thời gian qua rất được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Các tuyến đường giao thông chính chỉ mới được hình thành; giá đất của huyện ở mức cao, diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên việc bồi thường, chuyển nhượng đất của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, công tác mời gọi đầu tư thiếu tính hấp dẫn, khó thu hút các nhà đầu tư. Dù trên địa bàn huyện quy hoạch 3 cụm công nghiệp (CCN) là Long Bình, Đồng Sơn, Vĩnh Hựu, nhưng đến nay chưa hình thành được hạ tầng CCN.
Do đó, huyện chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triên công nghiệp trên địa bàn và của vùng, mặc dù thời gian qua công tác này được lãnh đạo địa phương rất quan tâm. Nếu được lãnh đạo tỉnh nghiên cứu quan tâm tháo những “điểm nghẽn” cho huyện thì ngành công nghiệp sẽ phát triển bứt phá và khi công nghiệp phát triển thì thương mại, dịch vụ, du lịch mới có thể phát triển.
GIAO THÔNG ĐI TRƯỚC
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh gần đây, UBND huyện đề xuất tỉnh có chủ trương xây dựng đường tránh thị trấn Vĩnh Bình (giai đoạn 2) nhằm tạo điều kiện để sớm mở rộng phát triển nhanh đô thị trung tâm của huyện và đầu tư mới cầu Đồng Sơn kết nối với đường huyện 18 khi đã được nâng cấp thành đường tỉnh 872, để tạo thành một trục giao thông quan trọng kết nối với huyện Châu Thành (tỉnh Long An) và huyện Tân Phú Đông; đồng thời, tạo thành một trục giao thông kết nối 3 đô thị của huyện (thị trấn Vĩnh Bình, Long Bình, Đồng Sơn).
Để tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực phía Bắc Quốc lộ 50 và liên kết vùng, huyện cũng mong muốn tỉnh đầu tư mới trục kết nối từ cầu Bình Phục Nhứt - Chợ Gạo - đường huyện 13 - Gò Công Tây - TX. Gò Công. Đồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn thành đường huyện 13C (Đê Sông Tra) và xây dựng cầu qua cống Rạch Kiến (trọng tải 30 tấn) để phát triển CCN Đồng Sơn và vùng quy hoạch thanh long của huyện.
Cùng với đó là quan tâm nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới 2 tuyến: Đường cặp kinh 14 và đường Lộ Rỗi (xã Bình Tân), tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng chuyên canh rau màu của huyện, để liên kết với các huyện trong vùng phía Đông theo chuỗi giá trị, tạo thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa trong vùng. Cùng với đó là phát triển tuyến đường 879D - cống Rạch Tràm phục vụ phát triển khu vận chuyển hàng hóa nông sản, khu vực ấp Ninh Đồng B (xã Đồng Sơn) qua tỉnh Long An.
Ngoài ra, huyện cũng cần nâng cấp đường Nguyễn Hữu Trí hiện hữu; xây dựng mới cầu và đường Nguyễn Hữu Trí nối dài để đấu nối với đường tỉnh 872 tạo thành tuyến tránh thị trấn Vĩnh Bình để giảm tải đường Nguyễn Văn Côn; đồng thời, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tại buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng gợi ý một số giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” và cho rằng cái gì đã có quy định, đã rõ về mặt phân cấp quyết định thì huyện mạnh dạn làm theo khả năng của huyện, có khó khăn hay vướng mắc thì kiến nghị các sở, ngành tỉnh hỗ trợ tư vấn tháo gỡ.
Trong đó trước mắt, huyện cần tập trung phát triển hệ thống giao thông, đấu nối từ các huyện, thị lân cận với thị trấn Vĩnh Bình tạo lực thu hút đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp - nông nghiệp chế biến. Huyện cần mạnh dạn tạo điểm nhấn cho thị trấn Vĩnh Bình để thu hút đầu tư, làm theo khả năng của huyện, phải phát triển giao thông sau đó mới tính đến thương mại, dịch vụ, du lịch.
Đồng chí Phạm Văn Trọng nhấn mạnh: Thu hút đầu tư là vấn đề luôn cần thiết nhưng để thu hút được thì phải chuẩn bị các điều kiện như hạ tầng giao thông, điện nước, lòng dân sao cho thuận, tạo mặt bằng sạch… mới mong nhà đầu tư đến đầu tư, triển khai những dự án lớn. Làm các công trình dự án phải tính đến yếu tố liên vùng, tạo sự liên kết phát triển…
HOÀI THU