.

Ủy ban Kinh tế: Nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi nền kinh tế

Cập nhật: 12:18, 25/05/2022 (GMT+7)

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19, bao phủ tiêm vaccine phù hợp, bám sát diễn biến của dịch, căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị và chính sách phòng chống Covid-19 của các nước...

b

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 23-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022

Báo cáo thẩm tra cho rằng, năm 2021 thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ dầu thô vượt 21.400 tỷ đồng do cả yếu tố tăng giá và tăng sản lượng khai thác.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu.

Thu từ cổ phần hóa đạt thấp, chỉ đạt 4.402 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng, bằng 11% dự toán trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn.

Song song đó, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tại thời điểm 31-12-2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%; một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; khu vực dịch vụ gặp nhiều khó khăn.

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. GDP quý 1 ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, trong đó có thị trường mặt hàng xăng dầu; nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm; kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.

Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD, do đó giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu, nguy cơ bùng phát dịch do các biến thể mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Trong khi đó giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021) trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề.

Các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn.

Các chính sách đặc thù trong lĩnh vực y tế ban hành rất khẩn trương nhưng sau 4 tháng, nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành mới được ban hành.

Công tác hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa thực hiện dứt điểm mặc dù đã hết thời hạn; việc triển khai chính sách chậm phần nào làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5 - 7%.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; bao phủ tiêm vaccine phù hợp, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị và chính sách phòng chống Covid-19 của các nước, động thái chính sách của các ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn; kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng. Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu và mở cửa du lịch, phát triển thị trường nội địa.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội về phục hồi kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; phấn đấu giảm số đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần…

Theo Báo Đầu tư Tài chính (SGGP)

.
.
.