Bánh quy dừa - Lan tỏa hương vị bánh quê
(ABO) Kế thừa nghề làm bánh lâu năm của gia đình, chị Huỳnh Thị Thy Thy - chủ Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc (khu phố 2, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) không chỉ là người đưa hương vị bánh quê hương lan tỏa đến thực khách trong và ngoài tỉnh, mà còn giúp đỡ nhiều chị em hội viên phụ nữ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chúng tôi có dịp theo chân Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Vĩnh Bình đến tham quan Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc vào một ngày đầu tháng 6-2022. Đây là mô hình khởi nghiệp thành công vừa đoạt giải Nhất tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức.
Chị Thy (bìa phải) tạo hình cho từng chiếc bánh. |
Chị Thy cho biết: "Nghề làm bánh quy dừa là nghề truyền thống hơn 30 năm của gia đình do mẹ ruột chị truyền lại. Lúc nhỏ, thấy cha mẹ làm bánh, tôi mê lắm! Cũng nhờ nghề này mà cha mẹ đã nuôi anh chị tôi ăn học thành tài. Lớn lên tôi học tập và làm việc ở một lĩnh vực khác, nhưng sau đó, tôi quyết định khởi nghiệp với bánh quy dừa, tiếp nối nghề làm bánh của cha mẹ với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình".
Nhờ có công thức gia truyền từ gia đình và qua đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, tìm tòi hướng đi dài lâu cho ý tưởng khởi nghiệp, mà các sản phẩm bánh quy dừa ra lò đảm bảo chất lượng, hương vị thơm ngon nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không ít người dân trong vùng biết đến bánh quy dừa do cơ sở của chị Thy làm ra và mang đi xa làm quà biếu khắp nơi, ra cả nước ngoài, nên đơn đặt hàng ngày càng nhiều.
Mỗi công đoạn sản xuất bánh quy dừa được thực hiện công phu của sự kết hợp giữa thiết bị máy móc cùng đôi bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh. |
Vừa đưa chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất bánh, chị Thy vừa chia sẻ về quy trình làm bánh. Trước đây, chưa có máy móc nên gia đình chủ yếu làm thủ công, sau đó được Hội LHPN thị trấn Vĩnh Bình tư vấn, giới thiệu các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội LHPN, chị Thy đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất. Chị cũng đã không ngừng nghiên cứu các nguyên liệu giảm lượng đường trong bánh để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các công đoạn đóng gói, bảo quản đều được thực hiện theo quy trình hiện đại.
Bánh được tạo hình hoàn chỉnh |
Điểm đặc biệt của bánh quy dừa Xuân Phúc là mặc dù các công đoạn sản xuất đã được làm bằng máy, nhưng các khâu tạo hình cho bánh vẫn được làm thủ công thông qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ cho ra đời những chiếc bánh đều đặn hình bông hoa, hay hình bánh gai trông rất đẹp mắt.
Công đoạn đóng gói. |
Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh quy dừa của chị Thy có 5 thợ làm việc đều là người địa phương. Chị Thy còn nhận người khuyết tật vào cơ sở làm việc để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, giá dừa khô giảm mạnh, chị Thy đã thu mua dừa từ nhà vườn về góp phần giải quyết đầu ra cho người dân trên địa bàn. Hằng tháng, cơ sở của chị thu mua trên 1.000 trái dừa khô.
Chị Thy cho biết, toàn bộ thành phần chiếc bánh quy dừa đều từ nguyên liểu tự nhiên nên luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, thơm ngon. Hiện các sản phẩm bánh quy dừa của cơ sở chị Thy đang được ngành chức năng làm hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP của đia phương để nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đến thực khách gần xa.
Nhiều hội viên phụ nữ và khách hàng đến tham quan mô hình sản xuất bánh quy dừa của chị Thy. |
Phó Bí thư Đảng ủy Thị trấn Vĩnh Bình Nguyễn Hoàng Việt đánh giá, mô hình khởi nghiệp sản xuất bánh quy dừa của chị Thy không chỉ giúp tăng thu nhập cho gia đình chị, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đây cũng là mô hình khởi nghiệp thành công mà các hội viên phụ nữ cần học tập và mạnh dạn đầu tư khi có ý tưởng khởi nghiệp, làm phong phú thêm những mặt hàng sản phẩm của địa phương.
KIM LAN - QUẾ ANH