Thứ Ba, 07/06/2022, 08:09 (GMT+7)
.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch

Bài 1: Xuất khẩu thanh long chính ngạch gặp khó do đâu?

Xuất khẩu nông sản của nước ta theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro, đặc biệt là trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch, hướng đến sản xuất, tiêu thụ bền vững, vấn đề đặt ra hiện nay là phải thay đổi từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ.

Thanh long là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mạnh mặt hàng này. Tuy nhiên, phần lớn thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch rất thấp.

Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch không có nhiều thủ tục phức tạp nhưng hình thức xuất khẩu này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc thời gian qua cho thấy, hình thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang ngày càng trở nên bất lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát cũng như khi thị trường Trung Quốc yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo), hiện nay HTX có khoảng 500 ha thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP. Cũng như nhiều đơn vị khác, thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn thanh long của HTX đều xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

“Thời gian qua, xuất khẩu tiểu ngạch thuận lợi nên việc xuất khẩu chính ngạch bị hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề chính là xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi doanh nghiệp phải có đầy đủ thủ tục, còn xuất khẩu tiểu ngạch chỉ cần điện thoại qua là mua được. Do xuất khẩu tiểu ngạch dễ làm nên nhiều người không mặn mà với xuất khẩu chính ngạch” - ông Tường cho biết.

Xuất khẩu tiểu ngạch hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xuất khẩu tiểu ngạch hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố trên, chất lượng cũng là một trong những rào cản để thanh long xuất khẩu chính ngạch. Điều này cũng xuất phát từ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nhiều nông dân, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9.700 ha thanh long, nhưng số diện tích sản xuất theo chuẩn VietGAP chưa tới 25% và chỉ có khoảng 110 ha sản xuất theo chuẩn GlobalGAP.

Ông Bùi Văn Hải (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) cho biết, mấy năm trước, ông có trồng thanh long theo chuẩn VietGAP, nhưng hiện đã không còn duy trì. Bởi sản xuất theo chuẩn VietGAP phải tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật như thời gian bón phân, phun xịt sâu bệnh. Tuy nhiên, năng suất thấp hơn, giá bán cũng không cao hơn nhiều so với sản xuất theo kiểu cũ nên không mấy thiết tha.

Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần có lộ trình để giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản. Bởi xuất khẩu nông sản không thể cứ làm theo kiểu “đường mòn, lối mở”.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường, mở rộng danh sách nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, xử lý nghiêm các vi phạm trong khâu đóng gói... bảo đảm nông sản hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, mở rộng ra những thị trường lớn trên thế giới như: Châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Ngoài những khó khăn trên, hiện các đơn vị trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn khác trong xuất khẩu thanh long chính ngạch. Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) cho biết, trước đây, mã số vùng trồng cấp cho thanh long ruột đỏ để xuất đi Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc… chỉ ghi “thanh long ruột đỏ”.

Tuy nhiên, ở một số thị trường cao cấp, họ yêu cầu phải là giống “thanh long ruột đỏ LĐ 1” mới được vào thị trường. Cụ thể, hiện nay, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc phải có mã số vùng trồng “thanh long ruột đỏ LĐ 1”. “Từ trước đến nay, khi xuất khẩu đi nước ngoài thị trường nào không bắt buộc ghi mã số vùng trồng “thanh long ruột đỏ LĐ 1” thì chúng tôi chỉ ghi là “thanh long ruột đỏ”.

Tuy nhiên, những thị trường yêu cầu ghi rõ thì bị vướng ở chỗ hải quan, không xuất được do họ nói đã mua giống độc quyền LĐ 1 này rồi. Không phải chỉ HTX đang vướng, mà rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cũng đang bị vướng điều này. Trong khi đó, các thị trường cao cấp này rất tiềm năng” - ông Phương thông tin thêm.

HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT, TIÊU THỤ BỀN VỮNG

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, hiện nay, chúng ta đang nói nhiều về việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Xuất khẩu tiểu ngạch có lợi thế trước hết là do chi phí ít hơn xuất khẩu chính ngạch. Cụ thể, mức đánh thuế khi xuất khẩu chính ngạch cao hơn so với tiểu ngạch. Mặt khác, các đơn vị xuất khẩu nông sản cũng đã quen với việc xuất khẩu tiểu ngạch. Do đó, muốn chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cũng không phải là vấn đề đơn giản.

“Khi thị trường Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid bằng cách đóng cửa biên giới, có nhiều ý kiến sao không vận chuyển nông sản bằng tàu biển. Tuy nhiên, hình thức vận chuyển này số lượng cũng không đáng kể, có nhiều khó khăn do cước phí… nên gặp nhiều khó khăn” - đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm.

Sau thời gian phá bỏ thanh long do giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn, theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, đến nay, tình hình nông dân phá bỏ thanh long đã giảm.

Theo ghi nhận thực tế, hiện nay, nông dân đã chăm sóc, đầu tư lại cho các vườn thanh long. Tuy nhiên, do tình hình tiêu thụ còn chưa khả quan, dù đang mùa thuận nên có nhiều nông dân bỏ vụ. Một số ít hộ dân lấy trái, nhưng số lượng cũng hạn chế do giá phân, thuốc quá cao.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn, hiện toàn tỉnh có khoảng 9.700 ha thanh long, trong đó có 2.306 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (110 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP). Hiện toàn tỉnh có 11 HTX sản xuất và tiêu thụ thanh long. Hầu hết các HTX đều có liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long với thành viên nên giá bán ổn định.

Đến nay, mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc là 33 mã số với 5.493 ha; mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc là 92 với 1.271 ha. Toàn tỉnh có 84 cơ sở thu mua và 3 doanh nghiệp tham gia chế biến sâu.

Toàn tỉnh có 80 kho lạnh với năng suất 16.000 tấn. Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long và giúp cây trồng này phát triển bền vững, giải pháp hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Song song đó là chuyển giao các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành trong thời điểm giá vật tư tăng cao. Đồng thời, xử lý trái vụ và vận động nông dân tham gia vào các HTX để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ. Tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu, đầu tư kho lạnh trong thời điểm xuất khẩu gặp khó khăn.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

(Còn tiếp)

.
.
.