Thứ Sáu, 03/06/2022, 08:15 (GMT+7)
.
HỆ THỐNG THỦY LỢI DỰ ÁN NGỌT HÓA GÒ CÔNG:

Chủ động điều tiết nước, đảm bảo an toàn sản xuất

Dù những ngày qua có nhiều cơn mưa lớn nhưng diện tích lúa hè thu trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) không bị ngập úng nhờ vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi trong khu vực.

Từ ngày 25 đến 31-5, các địa phương thuộc Dự án Ngọt hóa Gò Công ghi nhận tổng lượng mưa lớn, có nơi lên đến 132,7 mm. Dù vậy, các trà lúa trong vùng vẫn được bảo vệ an toàn. Có được kết quả trên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Công ty) đã chủ động triển khai và phối hợp với các địa phương trong vùng vận hành hệ thống thủy lợi ở khu vực dự án, chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất của người dân.

Cống Gò Công là một trong những cống quan trọng của Dự án Ngọt hóa Gò Công. 	Ảnh: NHẤT AN
Cống Gò Công là một trong những cống quan trọng của Dự án Ngọt hóa Gò Công. Ảnh: NHẤT AN

Theo đó, kế hoạch vận hành công trình phục vụ sản xuất được chia thành các giai đoạn gồm: Từ ngày 20-4 đến 15-5 đảm bảo nước tưới tạo nguồn phục vụ xuống giống; từ ngày 16-5 đến 15-7 là tưới tạo nguồn thuận lợi, tập trung lấy nước cống Xuân Hòa, thực hiện xả luân phiên tại các cống.

Theo Phó Giám đốc Công ty Đỗ Thành Sơn, các công trình thủy lợi đã được công ty tổ chức duy tu sửa chữa kịp thời, đảm bảo ngăn mặn tốt và vận hành an toàn. Các tuyến kinh Công ty quản lý ở dự án cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất. Cụ thể, Công ty đã nạo vét 8 tuyến với tổng chiều dài hơn 39 km góp phần nâng cao hiệu quả tưới tiêu trong vùng dự án. Các tuyến kinh trục chính như Xuân Hòa - Cầu Ngang, 14, rạch Văm Giống… thường xuyên được khai thông đảm bảo chuyển tải nước về cuối nguồn phục vụ sản xuất.

“Qua công tác vận hành động bộ, dòng chảy để nguồn nước lấy vào từ các cống đầu mối đưa đến cuối nguồn được thuận lợi và thông thoáng giúp phục hồi nước nhanh sau khi xổ xả và ngăn mặn triệt để. Công ty đã chủ động trong vận hành hệ thống thủy lợi nhằm tưới tạo nguồn thuận lợi, nâng cao diện tích tưới tự chảy, hạn chế úng cục bộ” - ông Đỗ Thành Sơn cho biết thêm.

Qua việc chuẩn bị tốt và vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi, hơn 20.500 ha lúa hè thu ở khu vực Dự án Ngọt hóa Gò Công được đảm bảo không bị ngập úng dù mưa lớn, được ngành Nông nghiệp các địa phương đánh giá cao. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Quý cho biết: “Những ngày qua, công tác xổ xả nước được Công ty thực hiện rất chủ động khi có mưa lớn. Có thời điểm, Công ty vận hành xổ xả trên địa bàn huyện hơn 10 cống trong hệ thống để kịp thời thoát nước không để ngập úng. Qua đó, 8.692 ha đã xuống giống của huyện được bảo vệ”.

Các địa phương trong khu vực Dự án Ngọt hóa Gò Công cũng đã chủ động các giải pháp đảm khai thông dòng chảy. Các tuyến kinh nội đồng đã được chính quyền các địa phương đầu tư nạo vét đảm bao tưới tiêu được thuận lợi. Năm 2021, các địa phương đã nạo vét 101 tuyến với tổng chiều dài hơn 127 km. UBND các xã, phường thuộc vùng dự án cũng đã vận động người dân trên địa bàn tham gia khai thông dòng chảy để tạo điều kiện thuận lợi cho thoát nước khi có mưa lớn.

Đơn cử, UBND xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã vận động người dân dọn dẹp các kinh nội đồng để xổ xả nâng cao chất lượng nguồn nước ngay từ đầu tháng 4-2022. Qua đó, 500 ha sản xuất nông sản (trong đó có 180 ha trồng lúa) trên địa bàn xã đang phát triển tốt, người dân canh tác với nguồn nước thuận lợi. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn Lê Tấn Thành, ngoài việc đảm bảo dòng chảy thông suốt, UBND xã đã vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ để đảm bảo đúng với lịch vận hành của hệ thống thủy lợi và không ảnh hưởng đến việc canh tác.

Theo Công ty, từ 16-7 trở đi, mục tiêu vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng dự án là nâng cao hiệu quả tưới tiêu, hạn chế úng cục bộ và nâng cao  diện tích tưới tự chảy. Theo đó, Công ty sẽ tập trung vận hành lấy nước ở các cống Xuân Hòa, Vàm Giồng, bổ sung lấy các cổng trên Sông Tra, rạch Gò Công nhằm phục hồi nhanh mực nước tưới cho khu vực. Hệ thống sẽ thực hiện xả cục bộ khi lượng mưa trên 50 mm và thực hiện tổng xả hạ mực nước xuống dưới 0,2 m khi mưa lớn trên diện rộng.

CAO THẮNG

.
.
.