Thứ Hai, 27/06/2022, 09:52 (GMT+7)
.

Kinh tế Tiền Giang - Những điểm sáng

Trên bức tranh tổng thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Tiền Giang có dấu hiệu phục hồi khá nhanh sau thời gian dài chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.

Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp thành lập mới hay hoạt động dịch vụ du lịch… là những điểm sáng quan trọng.

1. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 112 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 2 năm 2022 - 2023 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, phòng, chống dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, thương mại, khôi phục lại ngành Du lịch, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư...

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã phục hồi, khởi sắc.
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã phục hồi, khởi sắc.

Chính những giải pháp được triển khai kịp thời đã giúp cho kinh tế Tiền Giang có nhiều điểm khởi sắc. Một trong những điểm nhấn là hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận mức tăng khá nhờ tăng trưởng ở các ngành hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao như: Kim loại thường khác và sản phẩm, dệt may, giày dép…

Theo đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng của Tiền Giang ước đạt 2,07 tỷ USD, đạt gần 62% kế hoạch, tăng hơn 20% so cùng kỳ; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh tăng khá về giá trị, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng; trong đó, thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh, chiếm hơn 43%, tăng gần 27%.

Phân tích thêm về tình hình xuất khẩu, trao đổi gần đây Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, một trong những nguyên nhân xuất khẩu những tháng đầu năm 2022 tăng là dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng và ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, EU… Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế, tăng tính cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu vào những thị trường mới cũng phần nào giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Tiền Giang cũng còn một số điểm khó khăn, nhất là đối với ngành Nông nghiệp. Đánh giá chung cho thấy, tình hình tiêu thụ một số mặt hàng trái cây xuất khẩu thời gian qua còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như: Mít, thanh long... bị ùn ứ tại cửa khẩu trong những tháng đầu năm 2022, làm giá bán các loại trái cây này bị ảnh hưởng, thấp hơn 10.000 - 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ; trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế các loại cây trồng.

Nguyên nhân là các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Riêng thị trường Trung Quốc hiện đang áp Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” đối với doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này…

Nhìn tổng thể hơn, giá trị sản xuất công nghiệp gần đây cũng đã dịch chuyển theo chiều hướng tăng. Điều này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp dần hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng của Tiền Giang tăng khoảng 5,6%, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tập trung ở ngành sản xuất đồ uống, sản xuất da, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su plastic...).

Theo phân tích của Sở Công thương, một trong những sản phẩm tăng khá trong thời gian qua là thủy sản đông lạnh hơn 111% (cùng kỳ giảm 67,3%), ống đồng các loại hơn 158% (cùng kỳ giảm gần 98%)…

Phân tích thêm về ngành thủy sản xuất khẩu, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo cho biết, dịch bệnh hiện nay cơ bản được kiểm soát, đây là giai đoạn để các doanh nghiệp tăng tốc. Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản ở các thị trường hiện còn rất lớn, nhất là sau khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty đã và đang thực hiện kế hoạch của năm 2022, với một số chỉ tiêu cụ thể như: Kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, doanh thu 2.500 tỷ đồng, sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 41.000 tấn…

2. Bên cạnh kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng có dấu hiệu phục hồi khá nhanh. Đây cũng là một trong những điểm sáng quan trọng của kinh tế Tiền Giang.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tiền Giang có 498 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.500 tỷ đồng, đạt hơn 74% kế hoạch năm 2022; tăng 43% so cùng với cùng kỳ năm 2021. Chưa kể, tổng số hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng năm 2022 là 3.800 hộ, tăng đến 74%.

Theo phân tích từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả này phần lớn xuất phát từ việc tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp như: Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp; hội nghị đối thoại doanh nghiệp; xây dựng triển khai Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức hội nghị phát triển doanh nghiệp tại một số địa phương để phổ biến các chính sách, vận động hỗ trợ hộ kinh doanh có quy mô lớn để phát triển thành doanh nghiệp…

Nhìn ở khía cạnh khác, tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy dấu hiệu khả quan sau thời gian thực hiện các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19. Số liệu thống kê cho thấy, tổng số khách du lịch đến Tiền Giang trong 6 tháng đạt khoảng 277.900 lượt, tăng 5,5% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 7.900 lượt, tăng hơn 9%. Theo đó, doanh thu toàn ngành Du lịch Tiền Giang cũng đạt hơn 180 tỷ đồng.

Trước đó, nhằm phục hồi và phát triển ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, Tiền Giang đã tập trung triển khai Kế hoạch 378 của UBND ban hành ngày 15-12-2021 về phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19.

Tiếp đó, ngành Du lịch cũng đã tham dự các sự kiện du lịch nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư. Đồng thời, ngành cũng tiến hành khảo sát thực tế tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện chỉnh trang cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Và chính những điểm sáng này đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 4,1%, thu ngân sách đạt gần 56% kế hoạch…

A.P

.
.
Liên kết hữu ích
.