.

Nhiều "điểm nghẽn" được tháo gỡ

Cập nhật: 10:14, 22/06/2022 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (viết tắt Nghị quyết 11), cũng như thảo luận chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng của đất nước. Xoay quanh các nội dung này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Tiền Giang.

* PV: Tại Kỳ họp thứ 3, nhiều ĐBQH có ý kiến thảo luận, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ còn nhiều hạn chế, tiến độ còn chậm. Ở góc độ Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội, đồng chí có đánh giá như thế nào về tiến độ thực hiện và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

* Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; đến nay, đã ban hành 6 nghị định thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay; cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành.

Về kết quả, đến hết tháng 5-2022, theo báo cáo của Chính phủ, đã thực hiện khoảng 33,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 ngàn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người...  

Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ triển khai Chương trình vẫn còn khá chậm, nhất là trong xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình. Mặc dù Chính phủ đã đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tuy nhiên chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, nên phần nào đã làm giảm hiệu quả của Chương trình.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) được đánh giá là chính sách đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân; tuy nhiên, theo phản ánh, thực tế triển khai còn những vướng mắc trong việc rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT. Ngoài ra, các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số... đều chậm triển khai.

Trong thời gian tới, cũng như ý kiến của nhiều vị ĐBQH, Chính phủ cần khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình nhanh hơn, hiệu quả và thực chất; khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Sớm phê duyệt và triển khai Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình; điều hòa, hoàn thiện danh mục, giao vốn cho các dự án sử dụng vốn của Chương trình, thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác thuộc Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu hạ lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Khẩn trương ban hành hướng dẫn việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để tiếp tục thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sửa đổi Thông tư hướng dẫn về chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp...

* PV: Nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lĩnh vực được ĐBQH và cử tri vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng rất quan tâm. Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn, chủ trương đầu tư đối với lĩnh vực này được Quốc hội thảo luận, nhằm tháo gỡ tình trạng “được mùa rớt giá” lâu nay, cũng như tạo ra một thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của vùng ĐBSCL trong thời gian tới?

* Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, về mặt tổng thể, Quốc hội nhấn mạnh, cần phải tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị.

Tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của hệ thống thương nhân tại cơ sở, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong tham gia chuỗi giá trị về nông sản. Củng cố, tổ chức lại hệ thống cung ứng và phân phối sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản, tăng cường chế biến sâu.

Thực hiện các giải pháp đột phá để gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp; chú trọng đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu tập trung, vùng xuất khẩu nông sản có chỉ dẫn địa lý.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và triển khai Đề án chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch và các đề án cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu kết hợp với phát triển thị trường trong nước. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương.

Nhằm tháo gỡ tình trạng “được mùa rớt giá” lâu nay, cũng như tạo ra một thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, cùng với nhiều ý kiến ĐBQH, trong thời gian tới, chúng ta cần khẩn trương triển khai nhanh, có hiệu quả “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Với chính quyền địa phương, cần có kế hoạch giúp nông dân ngay từ lúc chuẩn bị gieo trồng; định hướng những loại mặt hàng có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường, khuyến cáo nông dân nên tăng hay giảm diện tích trồng trọt của từng loại nông sản. Khi đến mùa thu hoạch thì quan tâm, định hướng và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, không để bị động, thấy dư thừa mới tìm cách “giải cứu”.

Kết nối chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu dùng thông qua cơ chế thích hợp; cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, nông sản hàng hóa thừa, hay thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, để bảo đảm đầu ra cho nông sản, cần phải đổi mới hệ thống phân phối thị trường trong nước; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản gắn với các vùng chuyên canh. Từng bước hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistic ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản...

* PV: Cũng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông lớn của quốc gia. Theo đồng chí, các dự án này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng? Rút kinh nghiệm từ  những dự án giao thông trước đây, theo đồng chí, để các dự án này triển khai thực hiện đúng tiến độ, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần lưu ý điều gì?

* Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét, quyết định chủ trương đầu tư; đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc, như: Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) được thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng ĐBSCL; cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, ĐBSCL nói riêng.

Riêng với đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam của vùng ĐBSCL; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển (cảng Trần Đề, Sóc Trăng); nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và xóa đói giảm nghèo...

Để bảo đảm triển khai đúng tiến độ, trong các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án, Quốc hội đã giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước trong việc xem xét, quyết định giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện từng dự án để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần bảo đảm tiến độ, chất lượng; đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan trong bước triển khai thực hiện dự án cần nghiên cứu rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, từ đó có giải pháp phù hợp.

Về các vấn đề cụ thể, rút kinh nghiêm từ những dự án trước đây, vấn đề về giải phóng mặt bằng, năng lực yếu kém của ban quản lý dự án và nhà thầu là những nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm tiến độ. Trong bối cảnh triển khai đồng loạt nhiều dự án như hiện nay, cần nghiên cứu phân chia giá trị gói thầu xây lắp một cách hợp lý để có thể huy động toàn bộ các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công các dự án.

Ngoài ra, cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án giao thông, đặc biệt là khu vực ĐBSCL; trong bước nghiên cứu khả thi, cần bảo đảm khảo sát cụ thể, kỹ lưỡng về trữ lượng, chất lượng và cự ly vận chuyển nguồn vật liệu; kiểm soát chặt chẽ tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi; có chính sách khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thi công, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THU HOÀI (thực hiện)

 

.
.
.