BÀI CUỐI: Tận dụng lợi thế, khai thác hiệu quả
BÀI 1: Có mai một các thương hiệu đặc sản?
Trước những hạn chế, tồn tại trong việc khai thác và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng (NHCĐ), “bài toán” đặt ra hiện nay là làm sao triển khai các giải pháp để tận dụng lợi thế mang lại từ các nhãn hiệu.
Quảng bá nông sản chủ lực của tỉnh Tiền Giang là một trong những khâu quan trọng. |
Khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những bước đi quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả NHCĐ.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU MỚI
Trước tình hình hàng giả, hàng nhái khó kiểm soát và nền kinh tế của Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc đăng ký, xác lập quyền SHTT cho sản phẩm như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Do đó, với 25 NHCĐ được xác lập và bảo hộ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Tiền Giang đang tập trung hướng đến mục tiêu phát triển thêm các NHCĐ. Hiện nay, Sở KH-CN đang thực hiện trên dưa hấu Gò Công, gạo Gò Công, lạp xưởng Cai Lậy... Trong đó, việc tiến tới công nhận nhãn hiệu chứng nhận Gạo Gò Công đang bước vào giai đoạn cuối.
Có thể nói, với điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng riêng, thời gian qua, các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang, gồm: Các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX. Gò Công không ngừng phát triển các giống lúa chủ lực như: VD20, Nàng hoa 9… Trong đó, giống lúa VD20 thể hiện được ưu điểm vượt trội về chất lượng. Chính vì vậy, VD20 là giống lúa chủ lực được lựa chọn để xây dựng thương hiệu Gạo Gò Công.
Sở KH-CN tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch rà soát, đánh giá lại các NHCĐ đã được công nhận để có giải pháp hỗ trợ. |
Tăng cường quảng bá hình ảnh Xoài cát Hòa Lộc là một trong những đặc sản nổi tiếng của Tiền Giang. Xoài cát Hòa Lộc được trồng đầu tiên vào năm 1930 do một người tá điền trồng tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Lộc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Thổ nhưỡng của vùng đất nơi đây đã tạo nên hương vị thơm, ngon, ngọt của xoài cát Hòa Lộc. Thống kê gần đây cho thấy, Tiền Giang có khoảng 1.500 ha trồng xoài cát Hòa Lộc. Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang cũng đã được Cục SHTT (Bộ KH-CN) cấp Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vào ngày 3-9-2009. Để phát triển xoài cát Hòa Lộc trở thành trái cây đặc sản của Tiền Giang phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, Tiền Giang đã liên kết với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đưa các sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang; trong đó có xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh vào phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là một kênh quảng bá cho sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang đến với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang… |
Là một trong những người gắn bó nhiều năm với gạo Gò Công, ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển cho biết, doanh nghiệp đang liên kết sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn với diện tích 50 ha lúa VD20 trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Hiện nay, việc khôi phục giống lúa VD20 đang có tiến triển tốt và chắc chắn sẽ phục hồi; trong đó, TP. Hồ Chí Minh vẫn là thị trường tiêu thụ mạnh của gạo VD20. Thực tế cũng cho thấy, thương hiệu gạo VD20 cũng bị ảnh hưởng do một số người bán “gạo xá” trộn gạo VD20 với các loại gạo khác.
Theo đánh giá của ông Danh, dự kiến đến cuối năm 2022, khu vực Gò Công sẽ phục hồi lại giống lúa VD20 khoảng 20% - 30% so với thời gian trước. “Đối với gạo VD20, doanh nghiệp đã liên kết được với 3 đơn vị để cung ứng sản xuất bánh gạo theo công nghệ Nhật Bản. Lúa VD20 trồng ở vùng Gò Công cho gạo rất thơm và ngọt. Tuy nhiên, muốn cho ra những hạt gạo ngon nhất thì phải trồng từ giống F1. Khi đó, chi phí phân thuốc sẽ giảm, lúa cho năng suất cao và chất lượng tốt. Nếu không siết chặt khâu chọn giống đầu vào, để cho dân chọn giống tự do thì sẽ khó để phục hồi giống lúa VD20. Việc phục hồi giống lúa VD20 là cơ hội để xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Gò Công” - ông Danh cho biết thêm.
PHÁT HUY THƯƠNG HIỆU ĐÃ CÓ
Bên cạnh việc hỗ trợ và phát triển thêm các NHCĐ mới, hiện nay Sở KH-CN tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch rà soát, đánh giá lại các NHCĐ đã được công nhận; trên cơ sở đó để xác định những sản phẩm cần tập trung hỗ trợ để khai thác hiệu quả NHCĐ đã được công nhận.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình, huyện xác định sầu riêng là cây đặc sản và chủ lực của huyện. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để giữ vững thương hiệu, từ đó có đủ cơ sở dán NHTT. Hiện nay, huyện đang khẩn trương thực hiện để phát huy NHTT tốt nhất. Bởi đến cuối năm 2021, tổng diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh đạt hơn 16.890 ha, trong đó huyện Cai Lậy có hơn 10.540 ha, là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh.
Sở KH-CN tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch rà soát, đánh giá lại các NHCĐ đã được công nhận để có giải pháp hỗ trợ. |
Nhìn từ khía cạnh khác, theo Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi cho rằng, để khai thác hiệu quả các NHCĐ đã được công nhận, thời gian tới, ngành KH-CN sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT. Trong đó, Sở tập trung đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền SHTT; đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về SHTT trong các lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng.
Một trong những nội dung trọng tâm chính là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT; nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến SHTT; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền SHTT của mình… Ngoài ra, Sở KH-CN sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo hộ và khai thác quyền SHTT ở nước ngoài.
ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT