.

TP. Mỹ Tho từ đô thị thông minh đến Chính quyền số

Cập nhật: 08:02, 01/06/2022 (GMT+7)

Mỹ Tho được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là thành phố đạt chuẩn văn minh đô thị (giai đoạn 2016 - 2017), hoàn thành việc nâng chất giai đoạn 2 (2018 - 2020) và tiếp tục duy trì các tiêu chí hằng năm. Đây chính là những điều kiện cơ bản để TP. Mỹ Tho bước vào giai đoạn phát triển mới.

Chính quyền số là mục tiêu TP. Mỹ Tho đã và đang hướng đến để xứng đáng là trung tâm, là đầu tàu kinh tế của tỉnh Tiền Giang.

BƯỚC TẠO ĐÀ

TP. Mỹ Tho xác định cải cách hành chính là bước đi quan trọng cho quá trình vươn lên của thành phố. Điểm đáng chú ý là từ năm 2012, TP. Mỹ Tho đã sử dụng một số phần mềm phục vụ cho hệ thống chính quyền từ tỉnh đến phường, xã như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử công vụ, hệ thống Một cửa điện tử… để hỗ trợ trong việc từng bước số hóa các văn bản phục vụ công tác cải cách hành chính.

Nhờ đó, đến nay việc trao đổi văn bản qua hệ thống hầu như tất các các loại văn bản, trừ văn bản mật; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư công vụ để trao đổi thông tin; hệ thống Một cửa điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thành phố cũng đã vận hành thông suốt, gồm 343 bộ thủ tục, trong đó mức độ 2 là 13 bộ, mức độ 3 là 185 bộ, mức độ 4 là 145 bộ.

Từ những bước đi ban đầu, TP. Mỹ Tho bắt đầu tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Ngày 18-12-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3769 phê duyệt Đề án Xây dựng Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, với nhiều nội dung quan trọng như: Chính quyền điện tử thông minh, wifi thông minh, camera thông minh, du lịch thông minh, hệ thống thông tin địa lý (Gis), hệ thống giám sát môi trường, cảnh báo độ mặn...

TP. Mỹ Tho  đang hướng đến  Chính quyền số.  Ảnh: VĂN THẢO.
TP. Mỹ Tho đang hướng đến Chính quyền số. Ảnh: VĂN THẢO.

Theo lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho, các ứng dụng công nghệ đã được triển khai trên địa bàn thành phố hiện nay gồm: Lắp đặt 189 camera trên toàn địa bàn, phục vụ cho công tác quản lý đô thị, trật tự giao thông và vệ sinh môi trường; lắp đặt 25 bộ phát wifi để du khách truy cập thông tin khi đến TP. Mỹ Tho; lắp hệ thống truyền hình trực tuyến 2 chiều tại điểm cầu thành phố và 17 đơn vị phường, xã, giúp công tác chỉ đạo được thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; lắp đặt 2 trạm quan trắc độ mặn trên sông Tiền, giúp người dân chủ động lấy nước tưới tiêu, bảo vệ cây trái trong mùa khô hạn; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân qua App TienGiangS và Tổng đài 1022.

Ngành Công an thành phố đang hoàn chỉnh dữ liệu dân cư, kết hợp các ngành hoàn chỉnh dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 06 ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những điểm nhấn khác của TP. Mỹ Tho là các ngành Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch… sẽ thực hiện chuyển đổi số trên lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Thành phố xác định, dữ liệu của các ngành chính là nguồn tài nguyên quan trọng, việc phân tích, xử lý dữ liệu để khai thác tối đa và hiệu quả nguồn dữ liệu này để phục vụ cho từng ngành, từng lĩnh vực khi có nhu cầu chính là thước đo của việc chuyển đổi số…

Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022. Theo đó, DDCI có 10 chỉ số thành phần đối với khối địa phương và 7 chỉ số thành phần đối với khối sở, ban, ngành.

DDCI được hình thành dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; thông qua khảo sát trực tuyến và khảo sát viên trực tiếp đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để hỗ trợ kỹ thuật điền phiếu trên platform trực tuyến. Phương án tính điểm xếp hạng DDCI Tiền Giang 2022 đảm bảo tương đồng, phù hợp với cách tính điểm của các chỉ số thành phần Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Kết quả điều tra, chia sẻ kết quả điều tra trên Internet dự kiến được công bố vào tháng 11 - 12-2022. Một trong những mục đích chính của việc triển khai thực hiện Chỉ số DDCI là nhằm đánh giá công tác điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội.

CHẤP NHẬN LOẠI BỎ CÁI CŨ

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, TP. Mỹ Tho cũng đang bắt đầu xu hướng chuyển đổi số. Thực hiện Nghị quyết 08 ngày 6-10-2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 370 ngày 8-12-2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 8-2-2022 UBND TP. Mỹ Tho ban hành Kế hoạch 440 về triển khai thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

Đồng thời, tham mưu cho Thành ủy Mỹ Tho kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy. Trong kế hoạch, UBND thành phố đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng đô thị thông minh; tiến tới xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội và sự hài lòng của người dân.

Theo dự kiến, đến năm 2030, thành phố thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn địa bàn, phát triển Chính quyền số theo hướng tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số TP. Mỹ Tho.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi số, TP. Mỹ Tho cũng đã tập trung phổ biến các văn bản của Trung ương, tỉnh và kế hoạch của thành phố trong nội bộ và các doanh nghiệp; tổ chức hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến phường, xã.

Thành phố xác định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định rõ ràng. Đồng thời, xây dựng đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, không trùng lặp; xây dựng đô thị thông minh cũng chính là quá trình chuyển đổi số trong đô thị đó.

Vì vậy, trong thời gian tới TP. Mỹ Tho tập trung triển khai các nội dung gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, môi trường...) song song với phát triển dịch vụ công nghệ; thực hiện chiến lược dữ liệu, hình thành hạ tầng dữ liệu, xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh...

NHÓM PVKT

.
.
.