.

Triển khai quyết liệt chương trình phục hồi kinh tế

Cập nhật: 09:39, 05/06/2022 (GMT+7)

Ngày 4-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức phiên họp bất thường nhằm phục vụ cho nội dung phiên họp ngày 6-6 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

a
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Phiên họp bất thường với 3 nội dung: cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xem xét phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021; cho ý kiến về cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí lô 07/03 và lô 135&136/03.

Trình bày báo cáo về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho đầu tư công thuộc chương trình này và một số nhiệm vụ chi vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, thời gian sử dụng chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Theo đó, số vốn cho nhiệm vụ y tế là 14.000 tỷ đồng; an sinh xã hội, lao động và việc làm là hơn 8.000 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 40.000 tỷ đồng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113.000 tỷ đồng… Đồng thời, Nghị quyết 43 cũng giao Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, trên cơ sở kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương với tổng số vốn là 149.201 tỷ đồng cho 4 dự án đường cao tốc, quốc lộ thuộc lĩnh vực giao thông.

UBTVQH đã tiến hành biểu quyết thông qua báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỷ đồng trong gói 176.000 tỷ đồng thuộc Nghị quyết 43 của Quốc hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết số 43 về các giải pháp tài chính tiền tệ, hỗ trợ cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 và 2023 đã được kỳ họp bất thường của Quốc hội ban hành ngay từ đầu năm 2022 nhưng đến nay (đã qua gần 5 tháng) Chính phủ vẫn chưa có danh mục cụ thể các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình để UBTVQH cho ý kiến. Sự chậm trễ này phần nào làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai quyết liệt hơn.

------------------------------

Điều chỉnh tiền lương cơ sở vào ngày 1-7 hàng năm

Cũng trong phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

UBTVQH đồng tình với phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi do Chính phủ trình, trong đó có khoản bổ sung vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, rất nhiều ý kiến ĐBQH đề xuất, bên cạnh việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, cần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 1-7 hàng năm.

Trước đây, hàng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương khoảng từ 7%-8% nhưng 3 năm qua chưa thực hiện do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn. “Năm sau cần tính toán việc này, vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần để kích cầu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.