Chủ Nhật, 03/07/2022, 11:26 (GMT+7)
.

Cẩn trọng với những gói du lịch giá rẻ

Bước vào mùa cao điểm du lịch hè, khi nhu cầu thị trường trở nên sôi động hơn cũng là lúc nhiều hình thức lừa đảo tinh vi xuất hiện, trong đó phải kể đến những cú lừa mua gói du lịch giá rẻ mà nếu không tỉnh táo, du khách rất dễ bị sập bẫy.

a
Ảnh minh họa

Về bản chất, việc tung ra các gói du lịch là phương pháp kích thích tiêu dùng, gia tăng việc sử dụng dịch vụ của du khách. Thay vì mua riêng từng dịch vụ, du khách sẽ mua cả gói gồm nhiều dịch vụ với giá ưu đãi hơn. Các gói du lịch phổ biến nhất hiện nay là kết hợp giữa vận chuyển (vé máy bay) với lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng), có thể có thêm những ưu đãi đi kèm như dịch vụ đưa đón sân bay, bữa sáng, sử dụng bể bơi, các tiện ích vui chơi giải trí tại điểm đến…

Những năm gần đây, trước sự lên ngôi của xu hướng du lịch tự túc và sự phổ biến của du lịch trực tuyến, kinh doanh các tour du lịch trọn gói các dịch vụ đã trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo của các công ty lữ hành. Đây cũng là hình thức được nhiều người lựa chọn sử dụng bởi mang đến hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm công sức, thời gian, đồng thời giúp du khách sắp xếp được lịch trình di chuyển hợp lý. Hiện nay, không khó để tìm thấy hàng loạt cộng đồng mua bán trọn gói, phiếu giảm giá, ưu đãi du lịch giá rẻ trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân, đơn vị kinh doanh uy tín, xuất hiện những trường hợp buôn bán lừa đảo, lợi dụng tâm lý ham rẻ của du khách để chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, nhiều vụ "bóc phốt" các hình thức khuyến mại du lịch giá rẻ phản ánh trên các phương tiện truyền thông đã gây xôn xao dư luận. Không ít du khách sau khi tin tưởng và chuyển khoản toàn bộ giá trị combo cho người rao bán mới té ngửa mình bị lừa bởi ra sân bay không đăng ký được vé, đến nơi lưu trú không có tên đặt phòng, liên lạc lại với người bán thì thuê bao không liên lạc được, tài khoản mạng đã xóa, mọi phương thức liên lạc bị cắt đứt…

Tình trạng này không những gây ảnh hưởng quyền lợi, làm sứt mẻ niềm tin của một bộ phận khách du lịch là nạn nhân của những vụ lừa đảo, mà còn khiến nhiều du khách hoang mang, gây ảnh hưởng đến việc phục hồi hoạt động du lịch và tác động nghiêm trọng đến uy tín kinh doanh của những doanh nghiệp du lịch chân chính.

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, chiêu thức phổ biến thường được những kẻ lừa đảo áp dụng là đưa ra những combo du lịch có giá rẻ bất thường, thậm chí giảm từ 30% đến 50% so với mức giá thực tế nhằm đánh vào lòng tham của du khách. Để lấy được sự tin tưởng của khách hàng, những đối tượng này còn cố tình trưng ra nhiều tương tác, bình luận ảo, lịch sử giao dịch chứng minh trước đó đã có nhiều người mua voucher và sử dụng dịch vụ với những đánh giá tích cực.

Thêm nữa, hiện nay, việc làm giả các xác nhận điện tử bằng cách sao chép và chỉnh sửa thông tin về tên tuổi, thời gian để gửi lại du khách ngay sau khi khách chuyển khoản thanh toán tiền dịch vụ máy bay, khách sạn cũng không quá phức tạp. Vì thế, chỉ cần thiếu thận trọng một chút, du khách rất dễ mất tiền oan.

Trưởng phòng Điều hành tour của Công ty GoVietnam Bạch Tuyết cho hay, tinh vi hơn, một số đối tượng lừa đảo còn hình thành cả đường dây phối hợp, khi du khách gọi điện đến số điện thoại được người bán cung cấp để kiểm tra sẽ có ngay người nghe khác trả lời xác nhận các thông tin như tên công ty, tên nhân viên đúng như người bán giới thiệu… Nhiều đối tượng lừa đảo sẽ gửi mã vé máy bay, mã đặt phòng sau khi khách hàng chuyển tiền, song thực chất đây chỉ là mã đặt giữ chỗ chứ không phải xác nhận đã thanh toán, hết thời gian giữ chỗ, mã đó sẽ tự hủy, khách không tỉnh táo sẽ dễ bị nhầm lẫn.

Có những kẻ còn đầu tư mua hẳn các bình luận trên mạng xã hội để nếu khách hàng nghi ngờ kiểm tra các tài khoản bình luận thì cũng bảo đảm đây là những tài khoản thật đang hoạt động thường xuyên… Thực chất, việc lừa đảo các combo giá rẻ đã xuất hiện từ lâu, không chỉ khách hàng mà những chủ đại lý mới vào nghề cũng dễ bị lừa. Hậu Covid-19, sau thời gian dài bị hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của du khách tăng cao càng tạo môi trường cho nhiều chiêu lừa xuất hiện.

Sau đại dịch, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, cho nên giá cả dịch vụ luôn là yếu tố hàng đầu chi phối quyết định có đi du lịch hay không. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tránh bị lừa đảo, các du khách không nên ham mua các dịch vụ rẻ đến bất ngờ, nhất là trong thời kỳ cao điểm du lịch, cung không đủ cầu. Bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý mạnh tay những tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, cung cấp dịch vụ ảo, dịch vụ kém chất lượng cho du khách.

Bên cạnh đó, quan trọng nhất là mỗi du khách cần trở thành những người tiêu dùng thông thái để lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ tương xứng số tiền mình bỏ ra. Đối với hình thức mua trọn gói dịch vụ du lịch, du khách cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, xác thực thông tin qua nhiều kênh cho chính xác rồi hãy đưa ra quyết định mua. Du khách nên lựa chọn mua từ kênh bán hàng của các công ty uy tín, có đủ tư cách pháp nhân hoặc mua từ những cá nhân là người của các công ty uy tín, để được bảo đảm về giao dịch cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ. Khi chuyển khoản thanh toán nên chuyển vào tài khoản công ty thay vì chuyển vào tài khoản cá nhân. Sự phát triển của thương mại điện tử mang đến nhiều tiện lợi cho du khách nhưng cũng đòi hỏi người dùng phải tỉnh táo, thận trọng hơn trong việc "chọn mặt gửi vàng" để có được những dịch vụ như kỳ vọng.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.