Hỗ trợ nông dân tìm thị trường
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, đến nay, địa phương có hơn 23.500ha cây ăn trái, với sản lượng hơn 168.250 tấn/năm. Nhiều diện tích vườn cây giúp nông dân đạt được mức lợi nhuận từ 200-800 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn.
Thanh long chất lượng cao ở Long An được đóng gói phục vụ xuất khẩu. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Các loại cây ăn trái được trồng ở TP Cần Thơ khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều cây ăn trái ngon, đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, cam, bưởi, dâu Hạ Châu... mang lại giá trị kinh tế cao.
TP Cần Thơ cũng đã hình thành được nhiều vùng cây ăn trái tập trung chuyên canh như: vùng trồng sầu riêng, vú sữa và dâu Hạ Châu tại huyện Phong Điền; vùng nhãn tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai; vùng xoài ở huyện Cờ Đỏ...
Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như: cam xoàn và nhãn Idol (phường Thới An, quận Ô Môn); dâu Hạ Châu (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền); sầu riêng xã Tân Thới và vú sữa Trường Khương A (thuộc xã Trường Long, huyện Phong Điền)... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh, gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, tâm sự: “Ngành nông nghiệp đang định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Chú trọng mở rộng diện tích vườn cây đặc sản như sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài cát Hòa Lộc... Tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho trái cây và đẩy mạnh chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đáng mừng là thời gian qua, nhiều loại trái cây của TP Cần Thơ đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính, đặc biệt là châu Âu”.
Tại Long An, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 17.800ha thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chanh… được cấp 213 mã số vùng trồng. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, cho biết, để quản lý chặt mã số vùng trồng, tỉnh đã triển khai nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, HTX về các quy trình xây dựng, sử dụng hiệu quả mã số vùng trồng…
Theo Sở Công thương tỉnh Long An, thời gian qua tỉnh đã tổ chức các phiên tư vấn xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia và New Zealand. Với hơn 11.820ha, thanh long đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Long An theo dạng trái tươi, đông lạnh sang nhiều thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng xuất khẩu.
Ngoài tiêu thụ và xuất khẩu trái tươi, các doanh nghiệp tỉnh Long An cũng chế biến sâu trái thanh long như: sấy giòn, sấy dẻo, rượu vang, nước ép, bột hòa tan, siro... phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thanh long Châu Thành (Long An) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu được bảo hộ tại 5 quốc gia là Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc. Long An cũng có nhà máy xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng, với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Tại Tiền Giang, ngành chức năng tỉnh đang chuẩn bị triển khai, vận hành đề án ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối tiêu thụ, chế biến trái cây và xây dựng phần mềm chuỗi phân phối trực truyến hàng nông sản. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sự kiện có quy mô quốc tế… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năng lực chế biến trái cây ở nước ta còn hạn chế, khi chủ yếu xuất khẩu trái tươi, do đó nếu gặp khó khăn về xuất khẩu thì lập tức ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây của nông dân. Về lâu dài, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tăng cường liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng trái cây, nhằm sản xuất gắn chặt hơn nữa với nhu cầu thị trường.
Theo sggp.org.vn