Tiền Giang: Cân nhắc việc chuyển đổi trồng dừa ồ ạt
Diện tích dừa uống nước ở các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Trước thực trạng này, các ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi ào ạt sang trồng dừa.
Anh Linh chăm sóc vườn dừa Mã Lai của gia đình. |
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của hạn, mặn, thực hiện chủ trương của ngành Nông nghiệp, các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Gaing đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là điều kiện thuận lợi để cây dừa phát triển mạnh. Từ đó, nhiều nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang loại cây trồng này và mang lại hiệu quả bước đầu.
BỎ THANH LONG, TRỒNG DỪA
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Hoài Linh (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) chuyên sản xuất lúa. Tuy nhiên, thấy việc trồng lúa kém hiệu quả nên anh quyết định chuyển đổi sang trồng dừa Mã Lai. Đến nay, 4,5 công dừa Mã Lai đã cho trái ổn định, năng suất cao. Anh Linh chia sẻ: “Vườn dừa có khoảng 180 cây. Lúc đầu, tôi cũng sợ không có đầu ra. Tuy nhiên, sau 4 năm, vườn dừa phát triển tốt, hiện dừa có giá cao nên thu nhập cũng ổn định hơn so với trồng lúa”.
Nhiều hộ dân đốn bỏ thanh long chuyển sang trồng dừa. |
Bên cạnh diện tích dừa tăng do nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang và thời gian gần đây, giá thanh long liên tục nằm ở mức thấp, đầu ra gặp khó khiến nhiều người dân chuyển sang trồng dừa uống nước, chủ yếu là giống dừa Mã Lai.
Trở lại vùng chuyên canh thanh long của huyện Chợ Gạo vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi không khó để bắt gặp những liếp dừa đang dần hình thành trên những vườn thanh long trước đây. Tại xã Tân Bình Thạnh, kể từ khi giá thanh long xuống thấp, đầu ra gặp khó, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng dừa uống nước. Đây là xã có sự “chuyển đổi” lớn nhất khi diện tích dừa tăng 193,5 ha so với năm 2021.
Hiện nay, qua ghi nhận thực tế, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang giảm sâu. Giá dừa khô hiện dao động khoảng 20.000 đồng/chục, thậm chí có tình trạng thương lái không mua. Trước tình hình này, người trồng dừa khô đang rất khó khăn, có tình trạng người dân phá bỏ vườn dừa hiện hữu để chuyển sang trồng dừa Mã Lai. |
Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm ông Tám Nghiêm đang thuê nhân công phá bỏ 7 công thanh long của gia đình để trồng dừa Mã Lai. Ông Nghiêm cho biết, thanh long hiện được các thương lái mua xô với giá 4.000 đồng/kg. Dù là mùa thuận, nhưng với giá này, nông dân nắm chắc phần lỗ. Từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá thanh long vẫn chưa khởi sắc, đầu ra vẫn tắc. Do đó, ông quyết định chuyển sang trồng dừa uống nước, chứ không cầm cự được nữa. “Ở đây, 70% các nhà vườn phá bỏ thanh long là chuyển sang trồng dừa uống nước. Bây giờ không trồng dừa thì cũng không biết trồng cây gì?” - ông Nghiêm bày tỏ.
Trên thực tế, thời gian gần đây, giá dừa uống nước liên tục nằm ở mức cao giúp người trồng có lãi khá. Dù đang là mùa mưa, nhưng giá vẫn ở mức khá cao. Đây là yếu tố hấp dẫn khiến nhiều nông dân chuyển sang trồng dừa uống nước. Là nông dân gắn bó hơn 10 năm với cây thanh long, tuy nhiên, giá thanh long trong thời gian dài nằm ở mức thấp khiến ông Lê Văn Hôn (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) đành phải phá bỏ vườn thanh long. 5 công thanh long được ông chuyển sang trồng dừa Xiêm xanh.
Ông Hôn cho biết: “Thanh long trước giờ cho thu nhập cũng khá, nhưng giờ giá thấp quá, chăm sóc cực quá nên phải phá bỏ. Trồng dừa tuy cho kinh tế không bằng thanh long nhưng được cái thu nhập khá ổn định, ít tốn công chăm sóc”.
HÃY CẨN TRỌNG
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Gạo, hiện diện tích dừa của huyện hơn 7.670 ha (tăng 735,2 ha so với năm 2021). Các xã có diện tích dừa tăng hơn 100 ha so với năm 2021 là Trung Hòa 228 ha (tăng 105 ha), An Thạnh Thủy 994,7 ha (tăng 147,5 ha), Tân Bình Thạnh 331 ha (tăng 193,5 ha). Một số địa phương có diện tích dừa tăng, nhưng diện tích thanh long giảm không tương ứng như: An Thạnh Thủy, Bình Phục Nhứt, Trung Hòa. Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, nhiều diện tích thanh long được người dân chuyển sang trồng dừa uống nước chủ yếu là giống Mã Lai.
7 công đất trồng thanh long của gia đình ông Tám Nghiêm (huyện Chợ Gạo) chuyển sang trồng dừa Mã Lai. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Chợ Gạo, hiện nay, trong số diện tích đốn bỏ thanh long, phần lớn người dân chuyển sang trồng dừa uống nước. Mặt khác, cũng có tình trạng người dân trồng xen dừa với thanh long. Nếu tình hình tiêu thụ và giá thanh long không cải thiện thì có khả năng nông dân sẽ bỏ thanh long để lấy dừa. Hiện nay, chủ trương của huyện là không khuyến khích phát triển diện tích dừa uống nước mà phát triển dừa hữu cơ để lấy dầu phục vụ cho nhà máy xuất khẩu trên địa bàn huyện. Bởi hiện nay, diện tích dừa uống nước chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang (Sở NN&PTNT) Võ Văn Men cho biết, cây dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện tại có hai loại là dừa uống nước và dừa lấy dầu. Trong đó, dừa uống nước chiếm khoảng 60% (khoảng 9.000 ha). Hiện tại, người dân phá bỏ thanh long không chỉ để trồng dừa, mà có nhiều nông dân phá bỏ cây già cỗi để trồng lại cây mới hoặc trồng những cây trồng khác. “Tình hình diện tích dừa tăng hiện tại chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhưng đơn vị cũng khuyến cáo nông dân cần hạn chế chuyển đổi ào ạt” - đồng chí Võ Văn Men cho biết thêm.
T. ĐẠT - C.THẮNG