Tiền Giang: Giá xăng, dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ
Giá xăng, dầu tăng cao khiến hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt tàu cá phải nằm bờ do chi phí tăng quá cao.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí trong mỗi chuyến khai thác, giá xăng, dầu còn tác động đến nhiều lĩnh vực dẫn đến giá các hàng hóa thiết yếu, thực phẩm… tăng theo, càng làm cho chi phí trong mỗi chuyến biển tăng cao.
CHI PHÍ TĂNG GẦN 50%
Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là địa phương có số lượng tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản lớn nhất của tỉnh với 891 phương tiện. Ghi nhận tại khu vực neo đậu tàu, thuyền trên rạch Cần Lộc (thị trấn Vàm Láng) vào chiều 1-7, có rất nhiều phương tiện đang neo đậu tại đây. Theo tìm hiểu, nhiều tàu, thuyền neo đậu tại đây đã lâu.
Tàu, thuyền nằm bờ tại thị trấn Vàm Láng. |
Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm anh Nguyễn Văn Đen (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông), tài công tàu Bình Minh, đang mang thực phẩm xuống hầm để chuẩn bị khởi hành cho chuyến đánh bắt. Anh Đen cho biết, tàu cập bến cách nay nửa tháng, sau chuyến đánh bắt gần 4 tháng rưỡi. Chuyến biển vừa rồi, trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 400 triệu đồng.
Theo giao ước của tàu, lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ 6/4 (tức chủ 6 phần, thuyền viên 4 phần). “Chuyến khai thác vừa rồi, bạn ghe chúng tôi mỗi người chỉ được hai mươi mấy triệu đồng, giảm tiền hơn nhiều so với mấy năm trước. Do giao ước nên bạn ghe chỉ được chia khi tàu đánh bắt có lời, chứ không có lương. Dầu quá mắc nên ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tàu của chúng tôi vừa mới bơm 3.000 lít dầu gần 100 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với trước” - anh Đen tâm sự.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện Nghị định 67 ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Về chính sách cho vay theo Nghị định 67, số ngư dân trả nợ thời gian đầu tương đối khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với việc giảm hiệu quả khai thác, tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng, có khoảng trên dưới 50% phát sinh nợ quá hạn trong tổng số vốn vay. |
Thời điểm này là mùa cá Nam, nhưng nhiều tàu, thuyền ở thị trấn Vàm Láng vẫn neo đậu im lìm, không có tín hiệu cho thấy sẽ ra khơi đánh bắt.
Đang loay hoay trông coi 2 giã cào của gia đình, anh Đỗ Thanh Tùng (khu phố Chợ 1, thị trấn Vàm Láng) không giấu được sự trăn trở. Theo anh Tùng, tại thị trấn Vàm Láng có khoảng 500 tàu, thuyền, nhưng hiện chỉ có khoảng một nửa hoạt động, số còn lại nằm bờ do đánh bắt không đủ chi phí.
“Giá dầu tăng quá cao nên ngư dân rất khó khăn, đánh bắt khó có lời. Mỗi chuyến biển tiêu hao khoảng 10.000 lít dầu. Trước đây, chi phí dầu chỉ khoảng 150 triệu đồng thì hiện đã tăng lên hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán hải sản lại chỉ tăng nhẹ. Trước đây, mực có giá 100.000 đồng, hiện khoảng 120.000 đồng/kg, ghẹ cũng chỉ tăng thêm khoảng 20.000 đồng/kg.
Chưa kể, giá thuê bạn ghe cũng quá cao, mỗi người bước xuống tàu phải ứng trước 25 triệu đồng. Nguồn vốn mình có sẵn thì chạy có lời chút đỉnh, còn vay tiền thì thua. Đa số ngư dân (khoảng 90%) vay vốn để đi biển. Hiện có rất nhiều ngư dân cho tàu, thuyền nằm bờ, cũng có một số trường hợp phá sản” - anh Tùng bày tỏ.
CẦM CỰ
Cùng chung khó khăn với nhiều ngư dân, thời điểm này, hàng chục tàu, thuyền của Hợp tác xã Thủy sản Thái Hòa 1 Tân Phước (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cũng đang cầm cự khi giá xăng, dầu tăng cao. Theo ông Văn Công Hưởng, Giám đốc hợp tác xã, chi phí đầu vào tăng cao đang là khó khăn lớn nhất đối với thành viên hợp tác xã hiện nay.
Nếu năm 2021, giá dầu chỉ khoảng 10.000 đồng/lít thì hiện đã tăng gấp hơn 3 lần, dẫn đến chi phí đánh bắt tăng rất cao. Tài nguyên cạn kiệt, đầu ra không ổn định, cộng thêm chi phí tăng cao dẫn đến nhiều ngư dân gặp cảnh thua lỗ. Do tình hình khai thác khó khăn, nhiều thành viên bị nợ xấu của ngân hàng. Hợp tác xã mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm, hỗ trợ hợp tác xã, nhất là việc giãn nợ của các ngân hàng.
Tàu lưới đèn của anh Nhân đang được sơn sửa lại. |
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, hiện toàn huyện có 256 tàu cá không tham gia khai thác và đang neo đậu tại bến; trong đó thị trấn Vàm Láng có 186 tàu, xã Kiểng Phước 51 tàu, xã Tân Phước 8 tàu và xã Tân Tây 11 tàu. Các chủ phương tiện giải thích do đánh bắt khó khăn, giá nhiên liệu tăng cao nên phương tiện hoạt động kém hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các tàu, thuyền nằm bờ của huyện chủ yếu là những phương tiện đánh bắt xa bờ. Do thời gian đánh bắt dài, khoảng 5 - 6 tháng mới cập bến 1 lần, trong khi đó chi phí tăng cao nên ngư dân bị thua lỗ. Hiện ngư dân đang kiến nghị giảm giá xăng, dầu. Đây là vấn đề mấu chốt hiện nay; bởi nếu giá xăng, dầu giảm thì việc khai thác sẽ hiệu quả.
TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng là địa phương có số lượng tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ lớn của tỉnh. Chúng tôi di chuyển dọc theo bờ kè phường 2 (TP. Mỹ Tho), hiện có nhiều tàu, thuyền đang neo đậu tại đây. Anh Nguyễn Văn Nhân (phường 2, TP. Mỹ Tho) cho biết, trước đây gia đình anh có 2 chiếc tàu lưới đèn và hiện đã bán 1 chiếc do thua lỗ.
Theo anh Nhân, trước đây giá dầu còn rẻ, ngư dân đánh bắt có lợi nhuận. Do giá dầu tăng quá cao nên anh đã ngừng hoạt động đánh bắt hải sản từ 3 tháng nay. Chỉ tay về phía hàng chục con tàu đang neo đậu, anh Nhân nói: “Tàu đánh bắt nằm bờ nên các tàu thu mua hải sản bắt buộc cũng nằm bờ theo. Hiện tôi đang cho sửa lại tàu để chờ thời điểm thích hợp xuất bến, nếu để nằm bờ hoài thì tàu, ngư cụ cũng sẽ hư hỏng. Với giá dầu như hiện nay, nếu có ra ngư trường khai thác thì nhiều khả năng cũng bị lỗ; bởi cá tôm không còn như trước”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh, hiện ngành Nông nghiệp đang theo dõi sát tình trạng tàu cá nằm bờ. Theo thống kê, có khoảng 50% tàu cá đang nằm bờ. Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì ở địa bàn tỉnh. Hiện nay, giá dầu ngày càng tăng nên xu hướng ngư dân không ra khơi lại tăng. Việc nhiều tàu, thuyền không thể ra khơi đã ảnh hưởng đến sản lượng hải sản khai thác của tỉnh.
Cũng theo đồng chí Trịnh Công Minh, Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân không thể ra khơi do tác động giá xăng, dầu. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là phải giảm được giá xăng, dầu mới hạn chế được tình trạng tàu, thuyền nằm bờ. Bởi sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nguồn lực tài chính của ngư dân đã yếu, cộng thêm việc từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu tăng liên tục nên ngư dân đang rất khó khăn.
TRỌNG ĐẠT