Tiền Giang phát triển kinh tế sông: Lợi thế và tiềm năng
Tận dụng lợi thế cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có luồng hàng hải chạy dọc suốt dòng sông Tiền lên tận Campuchia và có diện tích đất phù sa rộng lớn hình thành các vùng chuyên canh cây trái đặc sản nổi tiếng, Tiền Giang đã và đang tập trung phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng tăng cường sự liên kết tương hỗ với ngành kinh tế, các dịch vụ trong tổng thể nền kinh tế trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiền Giang đã mở rộng và đa dạng hóa các loại hình hợp tác - liên kết sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm tính liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kinh Chợ Gạo là đường giao thông thủy huyết mạch nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. |
Tiền Giang có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông thủy - bộ và nhiều lợi thế trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khả năng hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI SÔNG NƯỚC
Tiền Giang có 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Hệ thống kinh, rạch toàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông. Vị trí địa lý thuận lợi và điều kiện về tự nhiên vừa phong phú vừa đa dạng của 3 hệ sinh thái (nước ngọt, nước mặn, nước phèn) tạo thuận lợi cho Tiền Giang phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông vận chuyển hàng hóa và phát triển mô hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.
Thời gian qua, Tiền Giang khá thành công trong việc tận dụng lợi thế tiềm năng về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng kết hợp với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với xây dựng thương hiệu có chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển các nhà máy chế biến nông, thủy sản có công nghệ hiện đại vừa làm tăng chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, vừa bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến. |
Cụ thể đối với trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa có sự biến động theo chiều hướng giảm trong giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2011, diện tích gieo trồng trên 241 ngàn ha đến năm 2020 giảm mạnh, chỉ còn trên 136 ngàn ha (bằng 56,2% so với năm 2011).
Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, xâm nhiễm mặn; nhiều khu vực đất trồng lúa không hiệu quả nên người dân chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, từ đó hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, chất lượng theo hướng sản xuất nông nghiệp “sạch”, an toàn thực phẩm.
Ở ngành nuôi trồng thủy sản, Tiền Giang tập trung phát huy lợi thế ở cuối nguồn sông Cửu Long, có bờ biển dài, hệ thống sông, rạch chằng chịt và khoảng 120 km sông Tiền đổ ra biển qua Cửa Tiểu và Cửa Đại để phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, Tiền Giang đã đa dạng hóa các hình thức nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nguồn nông sản hàng hóa thu hoạch được. Trong đó, phổ biến là nuôi trong ao, nuôi lồng bè trên sông Tiền và nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ ven biển.
Ngoài ra, Tiền Giang còn có nghề cá dân gian với đội ngũ ngư dân có kinh nghiệm và tay nghề giỏi là điều kiện tốt để vươn khơi khai thác xa bờ và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá mạnh hoạt động ổn định, tập trung tại của Cảng cá Mỹ Tho và Cảng cá Vàm Láng.
Tận dụng lội thế đường sông, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển các sản phẩm du lịch miệt vườn, thu hút gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan mỗi năm. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ |
Nhìn chung, Tiền Giang có tiềm năng phong phú về nuôi trồng, khai thác thủy sản khá lớn và đa dạng, trong đó nguyên liệu chính và chủ lực vẫn là tôm, cá, mực, nghêu cho chế biến đông lạnh xuất khẩu và chế biến phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Trong giai đoạn 2011 - 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản qua chế biến trên 3,178 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 0,3%/năm, trong đó mặt hàng cá tra, chiếm khoảng 88% trị giá trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản, còn lại mặt hàng nghêu, sò, mực, thủy sản đóng hộp chiếm khoảng 12% giá trị.
Nói đến kinh tế sông không thể không bàn về phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Tiền Giang có trục giao thông đường thủy được ví như Quốc lộ 1 đường thủy nối các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, dòng sông Tiền mang lượng phù sa dồi dào, bồi lắng hình thành nên những cù lao nổi tiếng với những vườn cây ăn trái đặc sản tạo được thế mạnh để Tiền Giang phát triển và khai thác loại hình du lịch sinh thái miệt vườn tại Thới Sơn, các huyện Cái Bè, Cai Lậy... Tận dụng lợi thế này, ngành Du lịch Tiền Giang phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn thu hút gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan mỗi năm.
Ngoài ra, với chiều dài 32 km bờ biển và các cửa sông lớn ra Biển Đông, Tiền Giang có lợi thế về logistics không những cho vận chuyển hàng hóa, mà còn cho du khách quốc tế và nội địa, kể cả việc trung chuyển cả thủy - bộ, thủy - thủy và bộ - bộ từ khu vực ĐBSCL và Campuchia đến TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Trung một cách hiệu quả.
ĐỂ KHÔNG CHỈ LÀ TIỀM NĂNG
Nhằm khai thác lợi thế về địa lý và tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế gắn với sông nước, trong thời gian tới, Tiền Giang cần xác định những giải pháp, mang tính đột phá hơn nữa, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Đó là cần có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành trong đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch... để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo phát triển hài hòa lợi ích của các lĩnh vực, các ngành trong tỉnh, nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tránh sự chồng chéo, lãng phí.
Bố trí quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả điều kiện đất đai, sinh thái, tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu, coi nước mặn và nước lợ là nguồn tài nguyên cho phát triển và hạ tầng thủy lợi để hình thành phát triển các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung liên huyện, liên xã có năng suất, chất lượng cao; phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhân rộng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra toàn tỉnh.
Đẩy mạnh liên kết tiểu vùng ĐBSCL, đặc biệt là Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy lợi thế về tiềm năng logistics để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch.
Cụ thể là liên kết, tổ chức lại sản xuất nhằm phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, vùng rau, vùng cây ăn trái, vùng dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm, đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao xuất khẩu, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
Liên kết các tuyến điểm du lịch đường thủy giữa các địa phương Mỹ Tho - Rạch Giá - Nam Du; TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Cần Thơ… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn để thu hút khách du lịch từ trong và ngoài nước.
Và cần hoàn chỉnh hệ thống đê bao và hạ tầng thủy lợi cho các khu vực được quy hoạch, thực hiện chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao gắn với các giải pháp thích ứng, phòng, chống lũ, hạn, mặn...
HÀ THỊ THOA