Thứ Hai, 08/08/2022, 10:23 (GMT+7)
.
GIÁ CẢ HÀNG HÓA BAO GIỜ HẠ NHIỆT?

BÀI 2: Thắt chặt chi tiêu

BÀI 1: Án binh bất động

Trước áp lực giá cả hàng hóa leo thang thì việc cân đối bài toán chi tiêu của người dân đã và đang được đặt ra.

Người dân mong chờ giá hàng hóa giảm.
Người dân mong chờ giá hàng hóa giảm.

TIẾT KIỆM HƠN

Từ khi xăng, dầu tăng giá cho đến nay, giá nhiều loại hàng hóa cũng “té nước theo mưa”. Thế nhưng, khi giá xăng, dầu liên tục giảm thì giá hàng hóa lại chưa giảm theo. Trước áp lực kinh tế gia đình và tình hình giá cả leo thang, đương nhiên nhiều gia đình phải tính toán thắt chặt chi tiêu. Sinh hoạt trong mỗi gia đình theo hướng giản lược hơn cũng đã và đang được tính toán, cân nhắc.

Chị Nguyễn Thị Ánh (ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có 2 con nhỏ và đang làm nghề hớt tóc. Theo chị Ánh, hiện giá xăng, dầu đã giảm nhưng giá hàng hóa ở chợ vẫn còn ở mức cao. Trong tháng 7 âm lịch này, giá các loại rau, củ, quả tăng mạnh, do nhiều người dân mua ăn chay. Điều này khiến việc chi tiêu của gia đình chị càng thắt chặt hơn mới đủ sống.

“Trước đây, mỗi ngày đi chợ, tôi chi tiêu khoảng 200.000 đồng, nay tăng lên 250.000 đồng/ngày. Để đủ chi tiêu trong sinh hoạt, còn lo cho các con học hành, mỗi khi mua sắm tôi đều phải tiết kiệm hơn trước. Mong rằng, giá hàng hóa trở về mức trước đây, để những người nội trợ như chúng tôi mua sắm dễ dàng hơn” - chị Ánh bày tỏ.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang Đỗ Văn Phước, những ngày qua, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng công chức thường xuyên nắm địa bàn, kiểm tra về giá cả hàng hóa. Qua công tác nắm địa bàn, dù giá xăng, dầu hạ nhiệt, nhưng giá hàng hóa chưa thấy giảm theo. Tuy nhiên, hàng hóa trên địa bàn tỉnh không có dấu hiệu găm hàng, khan hiếm.

Trong những ngày tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức kiểm tra chuyên đề về giá cả hàng hóa đối với những sản phẩm do Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước kiểm soát về giá.

Đối với lực lượng công nhân, trong cơn “bão giá” này, đời sống của nhiều người lại càng chật vật hơn với bài toán “miếng cơm manh áo”. Chị Đào Thanh Thúy, công nhân Công ty Taekwang Vina Mỹ Tho (Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Công nhân lương thì thấp, còn vật giá ở chợ lại cao quá. Nhiều khi tôi cầm 100.000 đồng đi chợ mà không đủ mua đồ ăn cho một ngày. Bây giờ chúng tôi ăn uống phải tằn tiện hơn, còn để tiền lo các chi tiêu khác như: Tiền thuê trọ, gửi về quê cho gia đình, các sinh hoạt khác… Mong sao giá hàng hóa giảm để người dân dễ sống”.

SỨC MUA GIẢM

Sau khi lập đỉnh với hơn 30.000 đồng/lít, những ngày qua, giá xăng, dầu có chiều hướng giảm mạnh, giúp giảm áp lực lên nền kinh tế, người dân cả nước cũng cảm thấy phấn khởi hơn. Bởi nỗi lo về chi phí đi lại, sản xuất, chi tiêu… dần được giảm nhẹ. Dù vậy, ghi nhận thực tế cho thấy, giá nhiều loại hàng hóa, trong đó nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn “neo” giá cũ và chưa có dấu hiệu sẽ giảm.

Khảo sát một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Mỹ Tho, Thạnh Trị, Trung An…, giá rau xanh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, dầu ăn, mì gói… đều ở mức khá cao, chưa có dấu hiệu giảm về mặt bằng giá so với trước.

Chị Trần Thị Thu Vân, tiểu thương bán gà, vịt làm sẵn tại chợ trên đường Phùng Há (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Những ngày qua, giá gà, vịt tăng chóng mặt. Bây giờ, tôi lấy hàng lên tới 75.000 đồng/kg (tăng 20 ngàn đồng/kg so với trước). Giá tăng cao nên người mua cũng giảm nhiều, buôn bán rất khó khăn. Trước khi hàng hóa tăng giá, tôi bán 30 - 40 con/ngày, giờ giảm còn 10 - 15 con/ngày”.

Đánh giá của ngành Công thương cho thấy, các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống tại siêu thị dồi dào, hàng được nhập về liên tục đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại các chợ truyền thống, các loại rau, củ, quả, thịt, hải sản… rất phong phú. Tính toán chung cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng năm 2022 tăng 3,32% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,51%).

Theo ngành Công thương, trong thời gian tới, ngành sẽ nắm chắc diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối hàng hóa phục vụ kịp thời cho nhu cầu của nhân dân. Tích cực kết nối tiêu thụ hàng hóa, nhất là các hàng hóa nông sản của tỉnh (rau, quả, thịt gia cầm, thủy sản, gạo,...) với các kênh phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối...) trong và ngoài tỉnh Tiền Giang…

Cũng theo một tiểu thương bán thịt heo tại đây, hiện nhiều người dân đang thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là công nhân do thu nhập không được cao. Hiện mỗi ngày, sạp thịt bán giảm 20 - 30 kg so với trước đây.

Cùng chung khó khăn với nhiều tiểu thương khác, anh Nguyễn Văn Vẹn bán rau, củ, quả tại chợ Trung An, TP. Mỹ Tho cho biết, hiện nguồn hàng cung cấp tương đối đầy đủ, nhưng do giá tăng cao nên sức mua giảm khoảng 30%. Giá rau, củ, quả duy trì ở mức cao, chưa hạ nhiệt nên người dân mua hàng cũng ít hơn.

“Trước khó khăn này, tôi lấy hàng để bán cũng giảm nhiều, chỉ lấy mỗi thứ một ít vừa đủ bán, chứ không lấy nhiều như trước” - anh Vẹn tâm sự. Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Rau, củ, quả Minh Long (TP. Mỹ Tho), giá xăng, dầu giảm giúp chi phí vận chuyển của doanh nghiệp giảm mỗi tuần khoảng hơn 1,5 triệu đồng/xe, nhưng cũng không đáng kể. Dù vậy, giá nguyên liệu đầu vào không giảm, có những mặt hàng đang có giá rất cao nhưng lại không có hàng.

A.PHƯƠNG - L.OANH - T.ĐẠT

.
.
.