Cụ thể, đến cuối ngày 3/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 66-67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với hôm trước. Tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Doji cũng điều chỉnh giảm giá vàng SJC về mức 65-66,5 triệu đồng/lượng, giảm tới 1,8 triệu đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch hôm trước.
Việc biên độ chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới vẫn duy trì ở mức cao trong một thời gian dài như vậy đã khiến người dân và nhiều chuyên gia kinh tế bức xúc. Không ít ý kiến, trong đó có cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đã nhắc tới vai trò của Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và cho rằng đã đến lúc cần phải có sự điều chỉnh nghị định này bởi nó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn nhận về điều này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Nghị định 24 NĐ/CP góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị tiền đồng thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền đồng và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa giá vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là do giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. “Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu. Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải dự trữ vàng do không biết giá thế giới biến động như thế nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ.
Tổng Giám đốc Công ty SJC Lê Thúy Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng giá thị trường, các thương hiệu trong nước dùng vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất khẩu đi nước ngoài nhiều. Nguồn cung hiện tại không có, trong khi nhu cầu thị trường vẫn tồn tại, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.
Theo bà Lê Thúy Hằng, từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. “SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng quy định. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng”, bà Lê Thúy Hằng cho biết.
Với mức chênh lệch giá vàng cao như vậy liệu doanh nghiệp vàng có được hưởng lợi? Bà Lê Thuý Hằng cho hay: Công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi được giao làm thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 NĐ/CP được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300-400 tỷ đồng/năm xuống chỉ còn 74-80 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji Đỗ Minh Phú cho rằng, về phương diện kinh doanh, không doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, bởi điều này rất rủi ro khi người dân bán lại vàng. Các doanh nghiệp, ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng miếng SJC để chênh lệch lên đến mấy chục triệu đồng. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thông tin thêm, trong thời gian gần đây, giá vàng SJC đã giảm 5-7 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, dù diễn biến giá vàng trên thế giới phức tạp, nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, gây ra bất ổn vĩ mô như trước. Chính vì vậy, có thể khẳng định, Nghị định 24 đã góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua.
“Thành công của Nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được bảo đảm hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để hạn chế vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế thì cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
(Theo nhandan.vn)