Thứ Tư, 17/08/2022, 10:09 (GMT+7)
.

Khu vực phía Đông: Khẩn trương xuống giống lúa thu đông

Sau 2 năm thực hiện cắt vụ lúa thu đông để “né” mặn, trong năm 2022 nguồn nước thuận lợi nên ngành Nông nghiệp có chủ trương cho một số khu vực tại các huyện, thị phía Đông của tỉnh xuống giống lúa vụ này.

TẤT BẬT XUỐNG GIỐNG

Thời điểm này, nông dân khu vực phía Đông đang trong giai đoạn thu hoạch lúa hè thu. Nhiều diện tích đã thu hoạch xong được người dân khẩn trương thuê máy cày xới để xuống giống lúa thu đông.

Nhiều nông dân tại huyện Gò Công Tây đang khẩn trương xuống giống vụ lúa thu đông. Chi phí đầu vào đang “làm khó” nông dân.
Nhiều nông dân tại huyện Gò Công Tây đang khẩn trương xuống giống vụ lúa thu đông. Chi phí đầu vào đang “làm khó” nông dân.

Ghi nhận tại huyện Gò Công Tây, thời điểm này, phần lớn nông dân đã thu hoạch xong lúa hè thu. Trên những diện tích đã thu hoạch, nhiều nông dân đang tất bật làm đất để gieo sạ lúa thu đông. Đang rải thuốc diệt ốc bươu vàng trên 3 công đất vừa gieo sạ được 1 ngày, ông Trần Văn Mạnh (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây) cho biết, vụ này gia đình ông gieo sạ giống lúa ST25. Giống lúa này có giá bán cao, lại ít phun xịt thuốc. Ông Mạnh bày tỏ: “2 năm trước, ngành Nông nghiệp vận động cắt vụ lúa thu đông, bây giờ cho gieo sạ lại tôi rất mừng để có thu nhập trong vụ này”.

Còn tại xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây), vụ thu đông năm nay, 1,8 ha đất của gia đình ông Nguyễn Văn Ngoan gieo sạ giống lúa ST25. 2 năm qua, gia đình ông tuân thủ việc cắt vụ của ngành Nông nghiệp, không xuống xuống lúa thu đông.

Để không lãng phí, ông đã cho thuê đất để người dân trồng dưa hấu. “Khi biết thông tin sẽ được gieo sạ lúa thu đông, tôi và người dân xung quanh rất mừng nên tranh thủ thu hoạch xong là làm đất để xuống giống” - ông Ngoan cho biết thêm.

Theo đồng chí Võ Văn Men, sản xuất lúa vụ thu đông năm 2022 rủi ro rất lớn. Do mưa nhiều nên sâu bệnh rất nhiều, trong đó có các bệnh như: Đạo ôn, lem lép hạt, cháy bìa lá. Mưa bão cũng sẽ làm đổ ngã lúa, ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, ngành Nông nghiệp đề nghị nông dân bón phân cân đối, hạn chế bón đạm, tăng cường bón canxi, kali để lúa cứng cây, chịu được thời tiết bất lợi. Điều quan trọng nhất, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện dịch bệnh kịp thời, nhằm có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Cơ quan Thủy lợi cố gắng cùng địa phương chống ngập úng khi xuống giống, ngành Khí tượng thủy văn tăng cường công tác dự báo để nông dân có biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, sau 2 năm thực hiện cắt vụ lúa thu đông, thực hiện chủ trương của ngành Nông nghiệp, năm 2022, một số khu vực trên địa bàn huyện sẽ được sản xuất lúa vụ này. Theo đó, các khu vực được xuống giống lúa thu đông của huyện chủ yếu tập trung ở những nơi thuận lợi về nguồn nước, nằm cặp những kinh, rạch lớn như: Kinh 14, Vàm Giồng…

Tại TX. Gò Công, thời điểm này, một số nông dân cũng đang khẩn trương xuống giống lúa thu đông sau khi thu hoạch lúa hè thu. Theo Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh, theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, vụ lúa thu đông năm nay, thị xã có khoảng 500 ha được gieo sạ.

Còn tại huyện Gò Công Đông, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Quí, đến thời điểm này, người dân địa phương đăng ký xuống giống lúa thu đông được 1.585 ha. Theo dự báo, trong những ngày tới, diện tích đăng ký gieo sạ lúa thu đông sẽ tiếp tục tăng. Để tránh thiệt hại trong trường hợp hạn, mặn xảy ra, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cắt vụ lúa thu đông.

KHÔNG ĐỂ XẢY RA THIỆT HẠI LÚA ĐÔNG XUÂN

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) Võ Văn Men, thời gian qua, Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông được tỉnh triển khai rất hiệu quả.

Đặc biệt, sau năm 2020, ngành Nông nghiệp thực hiện được việc cắt vụ lúa thu đông, bố trí thời gian xuống giống vụ lúa đông xuân sớm hơn 1 tháng. Do đó, nếu hạn, mặn diễn ra như năm 2020 thì có khả năng lúa đông xuân sẽ không bị ảnh hưởng. Có thể nói, thời gian qua, đề án này được triển khai rất hiệu quả.

Tuy nhiên, sau năm 2020, nguồn nước rất dồi dào, mùa mưa thuận lợi nên rất thích hợp để một số vùng ở khu vực phía Đông của tỉnh sản xuất vụ lúa thu đông. Năm 2022, Sở NN&PTNT đã có chủ trương cho sản xuất vụ lúa thu đông tại một số vùng; trong đó, huyện Gò Công Tây khoảng 6.500 ha, huyện Gò Công Đông khoảng 2.000 ha.

Áp lực giá vật tư

Vụ lúa thu đông năm nay, nông dân các huyện, thị phía Đông tiếp tục gặp khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Đặc biệt, giá phân bón vẫn còn ở mức cao dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Theo ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát, hiện nay chỉ có giá phân đạm Cà Mau, Phú Mỹ là giảm nhẹ do tiêu thụ chậm. Riêng giá các loại phân bón khác vẫn giữ ở mức cao. Không những vậy, hiện giá phân bón các loại cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo đồng chí Võ Văn Men, để sản xuất thành công vụ lúa thu đông năm 2022, trước hết cần phải rà soát lại những vùng có khả năng thu hoạch lúa thu đông được trong tháng 10 và xuống giống vụ đông xuân 2022 - 2023 vào đầu tháng 11. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo được vụ lúa đông xuân không bị thiệt hại trong trường hợp hạn, mặn xảy ra.

Ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ, những vùng khó khăn về nguồn nước thì không được xuống giống. Những vùng sản xuất lúa hè thu trễ thì phải cắt vụ, không cho xuống giống lúa thu đông, khuyến cáo người dân chuyển sang cây trồng khác hoặc bỏ đất trống. Riêng những vùng không được bố trí sản xuất lúa thu đông năm 2022 sẽ tiếp tục được hưởng chính sách theo Nghị quyết 03, 04 của HĐND tỉnh.

T. ĐẠT

.
.
.