Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang dự Tọa đàm thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc
(ABO) Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992 - 22-12-2022), vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập cùng Ủy ban Hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC) tổ chức Tọa đàm về thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022.
Tham dự tọa đàm, về phía các cơ quan Việt Nam có TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Đoàn Tiền Giang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu dẫn đầu, cùng lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ. Về phía Hàn Quốc có Chủ tịch KVECC Kwon Jae Heang cùng 22 doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập Nguyễn Thị Lan Hương.
Phát biểu dẫn đề buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước.
Hiện nay, Hàn Quốc đang giữ vị trí là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, là nước cung cấp nhiều dự án ODA quan trọng cho Việt Nam, là đối tác du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến nâng lên 100 tỷ USD vào năm 2023.
Ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc trong ASEAN với kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại chung giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Tham luận tại tọa đàm, ông Kwon Jae Heang cho biết, thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã đóng vai trò hết sức tích cực trong tìm hiểu thông tin thị trường Hàn Quốc và cung cấp cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hàn Quốc.
Ông cho rằng, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, nhất là về văn hóa, do vậy có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Thời gian qua, thông qua sự hỗ trợ của KVECC, các doanh nghiệp của 2 nước đã tìm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh.
KVECC đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc tiếp xúc với các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các tỉnh, thành Việt Nam để xúc tiến các dự án đầu tư và trao đổi thương mại. Ngoài những hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Kwon cho rằng các rào cản pháp lý cũng là điểm nghẽn cho việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, tọa đàm hôm nay hết sức có ý nghĩa, là cơ hội để các doanh nghiệp hai nước quảng bá hình ảnh, thương hiệu và sản phẩm của mình, tận dụng các thế mạnh của nhau.
TS. Vũ Tiến Lộc đồng tình với nhận định của ông Kwon, hiện nay còn nhiều vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính, các chính sách hỗ trợ… là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc và Việt Nam. Đơn cử như ngành công nghiệp hỗ trợ, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật về công nghiệp hỗ trợ, mà mới chỉ có Nghị định Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ; nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, chưa hình thành ngành công nghiệp chế tạo theo đúng nghĩa của nó.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam cần tăng cường quan hệ hợp tác với Hàn Quốc để học hỏi những kinh nghiệm hay về ứng dụng trong nước.
Tham luận tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu giới thiệu tóm tắt các tiềm năng, thế mạnh của Tiền Giang; tình hình hợp tác với các đối tác Hàn Quốc thời gian qua; các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các dự án kêu gọi đầu tư vừa mới được UBND tỉnh thông qua và các chính sách ưu đãi đầu tư vào Tiền Giang, cũng như các cam kết của UBND tỉnh đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Tiền Giang nằm cận kề TP. Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng khá thuận lợi, cộng với các tiện ích về điện, nước, viễn thông khá tốt và lực lượng lao động khoảng 1,1 triệu người, chiếm 65% dân số toàn tỉnh, nên khá thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Tọa đàm tuy chỉ diễn ra trong buổi sáng, nhưng đã tạo cơ hội thuận lợi cho 22 doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp xúc với chính quyền các tỉnh, thành khu vực phía Nam và đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được doanh nghiệp hai bên ký kết tại buổi tọa đàm.
L.P