Nợ công của Việt Nam đang giảm mạnh, xuống còn 43,1% GDP
Mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Theo bản tin nợ công số 14 vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP.
Cùng với đó nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần.
Cụ thể, mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP.
Nợ Chính phủ cũng giảm từ tỷ lệ 51,7% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 còn 39,1% GDP. Nợ Chính phủ bảo lãnh từ 9,1% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 là 3,8% GDP. Nợ chính quyền địa phương năm 2021 vào khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 bằng 1,1% GDP.
Nợ nước ngoài của quốc gia tính đến hết năm 2021 giảm còn 38,4% GDP so với năm 2017 là 49% GDP.
Tính đến năm 2021, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,2 %, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước vào khoảng 21,8%.
Bộ Tài chính cho biết, các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2021 được tính trên cơ sở GDP năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
Đáng chú ý là nợ nước ngoài giảm đi còn nợ trong nước tăng lên, đến hết năm 2021, nợ vay nước ngoài khoảng 1,075 triệu tỷ đồng; nợ vay trong nước tăng lên hơn 2,2 triệu tỷ đồng, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến năm 2021 chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản hơn 316.000 tỷ, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 32 nghìn tỷ đồng, 30 nghìn tỷ đồng và 14.000 tỷ đồng.
Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách chủ nợ với hơn 380.000 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với hơn 188.000 tỷ đồng...
Tại Quyết định số 460/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4 vừa qua, Chính phủ đặt mục tiêu, phấn đấu tới năm 2030, nợ công của Việt Nam không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, Chiến lược nợ công đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã đặt ra một số chỉ tiêu cân đối lớn như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người
đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), hiện nay đang sử dụng hai mô hình quản lý nợ công là Chiến lược nợ trung hạn (MTDF) về các kế hoạch quản lý nợ của Ngân hàng Thế giới và Quản lý nợ bền vững (DSA). Đây là một trong những mô hình quản lý nợ chủ đạo có liên hệ mật thiết với nhiệm vụ phân tích, dự báo và thực hiện các nghiệp vụ quản lý rủi ro danh mục nợ để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Thông qua việc sử dụng hai mô hình quản lý này, Bộ đã xây dựng, nghiên cứu, phân tích các kịch bản quản lý nợ công đến năm 2030 để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất với điều kiện hiện nay, cũng như phù hợp với yêu cầu quản lý nợ công./.
Theo Vietnam+ (TTXVN)