Thứ Hai, 29/08/2022, 19:49 (GMT+7)
.

Phụ thuộc máy móc nhập khẩu, bài toán cần giải quyết trong cơ giới hóa nông nghiệp

Theo chuyên gia tại Đại học Nông Lâm TPHCM, khoảng 80% máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp là hàng nhập khẩu, trong khi Việt Nam đang có hàng ngàn doanh nghiệp cơ khí. Đây là một thực trạng cần giải quyết trong bài toán cơ giới hóa nông nghiệp.

Cơ giới hoá thu hoạch lúa hiện phụ thuộc rất lớn vào nhà sản xuất máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản là KUBOTA. Ảnh: Trung Chánh
Cơ giới hoá thu hoạch lúa hiện phụ thuộc rất lớn vào nhà sản xuất máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản là KUBOTA. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”, vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ sự kiện Agri Technica Asia Live 2022, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết mức độ cơ giới hoá ở một số khâu trong một số lĩnh vực hiện có tỷ lệ khá cao, như trồng trọt đạt từ 70-100%; chăn nuôi từ 55-90%.

Theo ông Nam, cả nước hiện có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí; 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó, có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết số lượng, chủng loại và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng khá nhanh thời gian qua.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%; máy cấy tăng gấp 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thuỷ sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.

Tuy nhiên, theo ông Nam, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề như tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng (lâm nghiệp, khai thác thủy sản) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí- Công nghiệp thuộc Đại học Nông lâm TPHCM, nêu ra thực trạng là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp do Việt Nam sản xuất được áp dụng hiện chỉ khoảng 20%, còn khoảng 80% phải nhập khẩu. Ông cho rằng Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà, trong khi có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí.

Theo ông Bích, trong khi ngành nông nghiệp ngày càng phát triển thì lực lượng lao động phục vụ cho ngành này ngày càng giảm. “Thực trạng này rất dễ nhìn thấy ở khu vực ĐBSCL”, ông nói.

Ông Bích cho rằng cần phải giải quyết bài toán cơ giới hoá. “Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề cơ giới hoá, thì chúng ta sẽ rơi vào thực trạng giống như Nhật Bản, đó là 65% lao động của Nhật trong ngành nông lâm nghiệp là trên 55 tuổi”, ông cho biết.

“Vậy bài toán giải quyết của Nhật Bản là gì?”, ông Bích nêu câu hỏi và cho biết Nhật Bản đã áp dụng cơ giới hoá không người lái và việc này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực ở trình độ cao. “Chính vì vậy, các trường đại học Nhật đã đào tạo ngành cơ khí rất nhiều”, ông nói.

Một dẫn chứng khác được ông Bích đưa ra, đó là vào những năm 1960, Hàn Quốc không hơn gì so với Việt Nam về cơ giới hoá nông nghiệp. Nhưng từ năm 2020 đến nay, Hàn Quốc đã tiến đến cơ giới hoá toàn bộ ngành nông nghiệp. Kết quả đó có được nhờ vào việc đào tạo nhân lực ngành cơ khí nông nghiệp của các trường đại học Hàn Quốc.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch nông nghiệp hiện vẫn chiếm trên 10%. Điều này, dẫn đến hàng năm khu vực này phải chịu thiệt hại khoảng 550 triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, khi nhìn vào thực tế của Việt Nam, ông Bích cho biết đơn vị này đã có 57 năm đào tạo nhưng qua thống kê cho thấy số sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp là rất ít. “Trong suốt giai đoạn từ năm 2000-2015, thì năm 2010-2011 không một sinh viên nào theo học ngành cơ khí nông nghiệp, trong khi những năm trước đó cũng chỉ có 9-17 sinh viên theo học”, ông dẫn chứng.

Theo ông Bích, từ những năm 2012 trở đi, sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp có tăng lên và đạt khoảng 70-80 sinh viên ở những năm 2015-2021, nhưng đây vẫn là con số còn khá khiêm tốn.

Theo ông Bích, cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp, tuyển sinh ngành cơ khí nông nghiệp; có chính sách tổng thể về đào tạo và hệ thống kỹ thuật cho ngành cơ khí nông nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách quốc gia về chế tạo máy nông nghiệp và giải quyết hai vấn đề cơ bản tác động đến trình độ cơ giới hoá, đó là đất đai manh mún và thiếu vốn đầu tư của người nông dân.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.