Thứ Hai, 15/08/2022, 10:55 (GMT+7)
.
SẮC VÓC CÙ LAO TRÊN SÔNG TIỀN

BÀI CUỐI: Tân Phong khát vọng nối đôi bờ

BÀI 1: Tân Long rồi sẽ "hóa Rồng"

BÀI 2: Giữ gìn và phát huy thương hiệu Thới Sơn

BÀI 3: Ngũ Hiệp thay "áo mới"

Nằm giữa bốn bề là sông nước, đất đai màu mỡ, cây trái trù phú, cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch sinh thái miệt vườn.

ÂM VANG QUÁ KHỨ

Theo Địa chí Tiền Giang, cuối thế kỷ XVIII, dưới thời Gia Long, năm 1808, cù lao Tân Phong thuộc tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến đời Vua Minh Mạng, năm 1836, cái tên Tân Phong mới có, với ý nghĩa là đất mới giàu có thuộc tổng Bình Hưng, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.

Một góc  cù lao Tân Phong  nhìn từ trên cao.
Một góc cù lao Tân Phong nhìn từ trên cao.

Khi người Pháp vào đô hộ, nền hành chính có một số thay đổi, đầu năm 1900, làng Tân Phong lại thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, khoảng năm 1923, làng Tân Phong còn bị Pháp đổi tên là Tân Đông. Sau năm 1945, tổng Bình Hưng, trong đó có làng Tân Phong chuyển sang quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình, địa phương sẽ chủ động xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch với huyện Cái Bè, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long) và kết nối với thị trường trọng điểm TP. Hồ Chí Minh để khai thác thế mạnh du lịch của Tân Phong.

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch từ phân bổ ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu công viên, thiết chế văn hóa, thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng trên địa bàn xã.

Trong đó, huyện sẽ chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch trọng điểm, bảo đảm thông thoáng, hiện đại. Về khai thác du lịch, huyện vẫn định hướng cho Tân Phong tận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan bằng đò chèo, tàu thuyền và các loại hình du lịch đang có; đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nét riêng biệt để ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Năm 1967, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn đặt xã Tân Phong thuộc quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long cho đến năm 1975. Tại thời điểm này, chính quyền kháng chiến lại thấy rằng, do qua lại sông Tiền khó khăn, đất Tân Phong lại gần hơn với Cai Lậy, Cái Bè nên quyết định cắt chuyển sang huyện Cai Lậy để dễ dàng xây dựng phong trào cách mạng, rồi giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày thống nhất đất nước và đến ngày nay.

Tân Phong là xã cù lao có 7 ấp, nằm giữa sông Tiền. Không biết bắt nguồn từ đâu mà các cồn bãi ở cù lao này có những tên gọi khác nhau, như: Cồn Trích, cồn Đại Diện, cồn Ngậm, cồn Tre, cồn Bầu, cồn Cá Ngát. Cù lao được phù sa bồi đắp và nước ngọt quanh năm nên được mệnh danh là vùng “đất vàng” cây ăn trái. Với diện tích trên 1.000 ha, bãi bồi, kinh mương bao quanh, khí hậu trong lành, mát mẻ, từ lâu Tân Phong đã trở thành điểm đến của các tour du lịch sinh thái.

Du khách quốc tế đến du lịch tại cù lao Tân Phong.                                                                               Ảnh: M. THÀNH
Du khách quốc tế đến du lịch tại cù lao Tân Phong. Ảnh: M. THÀNH

Đặc biệt, trong số những sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho cù lao Tân Phong chính là ốc gạo - một đặc sản nổi tiếng của xứ cù lao này. Tuy nhiên, 10 năm nay, ốc gạo không còn xuất hiện ở Tân Phong nữa...

Ông Trần Văn Bé Năm, một người dân sinh sống lâu năm ở cù lao Tân Phong nhớ lại, cách đây khoảng 40 năm, người dân chỉ cần lặn xuống sông, dùng tay đùa gom ốc lại rồi hốt đem lên. Nhưng thời gian sau này, do bị người dân khai thác theo kiểu tận diệt và sự xuất hiện của nạn khai thác cát xung quanh cù lao Tân Phong mà sản vật - ốc gạo gần như bị xóa sổ. Tuy nhiên, gần đây, người dân và chính quyền địa phương đang dần tái tạo, nuôi lại ốc gạo - đặc sản mang danh một thời của vùng cù lao này.

KHÁT VỌNG NỐI ĐẤT LIỀN

Đi cùng thời gian, giờ đây Tân Phong đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2019, Tân Phong ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới, đánh dấu sự vươn lên của vùng đất cù lao này với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống người dân được nâng lên.

Hiện nay, Tân Phong có vị trí thuận lợi để phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Với lượng phù sa bồi đắp quanh năm, Tân Phong đã phát huy lợi thế phát triển vườn cây ăn trái, nhất là đối với các loại cây ăn trái đặc sản, như: Chôm chôm, nhãn, sầu riêng… Bên cạnh đó, loại hình du lịch sinh thái miệt vườn cũng đang hình thành và phát triển ở xứ sở cù lao này, thu hút du khách đến tham quan, du lịch.

Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm du lịch tại cù lao Tân Phong.
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm du lịch tại cù lao Tân Phong.

Với khung cảnh thoáng mát, đậm chất miền quê sông nước với các món ăn độc đáo, cùng sự hiếu khách, thân thiện của người dân cù lao Tân Phong đã tạo nên sự hấp dẫn cho du khách khi đặt chân đến đây.

Bà Bùi Thị Thu Vân, chủ Khu du lịch sinh thái Như Ý (xã Tân Phong) cho biết: “Du khách đến khu du lịch sẽ được trải nghiệm các hoạt động tát mương bắt cá, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền Tây sông nước nên rất thích.

Chúng tôi còn đầu tư xây dựng những điểm lưu trú cạnh dòng sông nhằm tạo sự khác biệt và thích thú cho du khách. Cũng giống như những người làm du lịch khác, chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và quảng bá, kết nối với các công ty lữ hành để ngày càng thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch”.

Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Văn Mười cho biết, thời gian qua, xã đã chủ động phát triển đa dạng hóa loại hình du lịch và sản phẩm du lịch, như: Đờn ca tài tử kết hợp tham quan bằng đò chèo, đạp xe đạp trong xóm, ấp tham quan vườn cây ăn trái; đi chợ quê với nhiều loại đặc sản, ngắm cảnh miền quê; nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các món ăn truyền thống, dân dã...

Dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, nhưng thời gian qua, Tân Phong vẫn chưa khai thác tương xứng với lợi thế vốn có. Trong định hướng tới đây, phát triển du lịch cũng là một trong những hướng đi quan trọng đối với cù lao Tân Phong. Điều này đã được cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy.

Mặc dù đã có nhiều phát triển nhưng hiện nay việc đi lại, kết nối giao thương giữa cù lao Tân Phong với đất liền và ngược lại thì vẫn phải “lụy phà”. Do đó, từ bao đời nay, khát vọng nối với đất liền là niềm mong ước của biết bao thế hệ người dân Tân Phong.

Hiện thực hóa khát vọng này ngày càng được củng cố khi Dự án cầu Tân Phong đã được HĐND tỉnh Tiền Giang duyệt danh mục dự án đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đầu tư giai đoạn 2023 - 2025. UBND tỉnh đang giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Khi có cầu nối đôi bờ vui giữa Tân Phong với đất liền sẽ là điều kiện rất thuận lợi để vùng đất cù lao này phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng.

TUẤN LÂM

.
.
Liên kết hữu ích
.