Thứ Ba, 13/09/2022, 09:24 (GMT+7)
.
BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH

"Vương Hùng thảo" và chuyện về thanh niên vượt khó khởi nghiệp

Sản xuất trà từ thảo dược là cách mà Lê Vương Quốc Hùng (ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) lựa chọn hướng đi cho riêng mình trên bước đường khởi nghiệp. Tình cờ phát hiện ra thảo dược và đặt tên là Vương Hùng thảo, Hùng đã nghiên cứu, cho ra đời một số loại trà giải khát từ thảo dược này.

Sản xuất trà thảo dược tại Cơ sở Sản xuất thương mại dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung.
Sản xuất trà thảo dược tại Cơ sở Sản xuất thương mại dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung.

CHUYỂN MAY MẮN THÀNH CƠ HỘI

Lê Vương Quốc Hùng cho biết, Hùng quê xã Phong Mỹ (nay là Phong Nẫm), huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Không sống chung với cha từ nhỏ, mẹ con Hùng đùm túm nhau đến TP. Mỹ Tho lập nghiệp.

Khi chuyển đến TP. Mỹ Tho, do nhà ở gần chùa, Hùng có điều kiện được gặp rồi kết thân với một số bác sĩ Đông y cũng là phật tử của chùa. Được các bác sĩ tận tình hướng dẫn, truyền dạy kiến thức về y học cổ truyền, dần dần Hùng đam mê thảo dược lúc nào không hay biết.

Cách nay hơn 10 năm, có dịp đi chùa Phật Đá (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước), may mắn được biết chùa có trồng một loại thảo dược mà sư thầy Nhuận Sanh thường dùng làm trà uống hằng ngày để trị chứng đau dạ dày (do một phật tử mang giống từ Canada về tặng chùa), Hùng xin giống về trồng thử.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu trong thời gian dài cũng như qua các thử nghiệm (cùng người thân dùng thử), Hùng nhận thấy loài cây này sử dụng rất tốt cho người bị đau dạ dày mãn tính như: Viêm loét, chứng dư axít, đặc biệt là viêm dạ dày do vi khuẩn HP.

Qua tra cứu “Cây thuốc và vị thuốc” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi cùng các tài liệu liên quan ở trong nước và trên thế giới, loài cây này chưa có tên gọi chính thức. Để đánh dấu quá trình nghiên cứu, sản xuất thành công loại trà thành phẩm đầu tiên, Hùng đặt tên cho thảo dược này là “Vương Hùng thảo”.

 Lê Vương Quốc Hùng giới thiệu về sản phảm trà giải khát làm từ thảo dược.
Lê Vương Quốc Hùng giới thiệu về sản phảm trà giải khát làm từ thảo dược.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, với vai trò Bí thư Chi đoàn ấp Bình Phong, Hùng cùng với tổ chức Đoàn các cấp tích cực tham gia phong trào phòng, chống dịch như: Tham gia truy vết người bị lây nhiễm; bỏ tiền ra mua rau, củ và tự may khẩu trang, pha nước sát khuẩn kết hợp cấp phát hàng ngàn phần thuốc cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại 17 xã, phường của TP. Mỹ Tho; thường xuyên đến thăm, tặng quà cho các bệnh nhân cao tuổi điều trị tại bệnh viện. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp Xã đoàn Tân Mỹ Chánh, Hùng tạo điều kiện cho các thành viên vào cơ sở của Hùng làm việc để có thu nhập, việc làm ổn định…

Hiện tại, Hùng thuê đất mở rộng quy mô trồng Vương Hùng thảo theo hướng an toàn với diện tích 3.500 m2 (gồm 500 m2 tại ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho và 3.000 m2 tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo).

Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, Hùng đã cho ra đời 4 loại trà giải khát từ thảo dược mang tên: Trà Vương Hùng Thảo HP, trà Gan Bôm Bốp, trà Cốt Vương và trà Sáo Tam Phân. Trong đó, trà Vương Hùng Thảo HP (thành phần chính là Vương Hùng thảo) tốt cho người viêm, loét dạ dày, người bị đau dạ dày do vi khuẩn HP gây ra. Theo nhiều nghiên cứu, trà Gan Bôm Bốp (thành phần chính là cà gai leo) giúp giải độc gan, hạ men gan…

Còn trà Cốt Vương (thành phần chính là Nam uy linh tiên và cỏ Trinh nữ) tốt cho người đau nhức xương khớp, tê tay, tê chân, đau cột sống, thần kinh tọa. Riêng trà Sáo Tam Phân (thành phần chính là Sáo tam phân và Trinh nữ hoàng cung), Hùng cung cấp miễn phí cho bệnh nhân có khối u lành tính, viêm gan, nổi hạch, bệnh nhân đang hóa, xạ trị.

VƯỢT KHÓ ĐỂ KHỞI NGHIỆP

Lãnh đạo Thành đoàn Mỹ Tho cho biết, ngoài tích cực tham gia các phong trào tình nguyện ở địa phương, Hùng còn là tấm gương tiêu biểu của thanh niên thành phố về khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế. Các sản phẩm trà làm từ thảo dược do Cơ sở Sản xuất thương mại dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung sản xuất bước đầu được thị trường chấp nhận. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp giúp cơ sở cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Để giúp cho việc thương mại hóa các sản phẩm trong quá trình khởi nghiệp được thuận lợi, cuối năm 2021, Hùng thành lập Cơ sở Sản xuất thương mại dịch vụ quốc tế Dược Vương Cung (ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).

Do phải lo chạy chữa cho mẹ chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, nên khi khởi nghiệp, Hùng gần như không còn vốn. Với quyết tâm khởi nghiệp, Hùng quyết định sử dụng tài sản cuối cùng là giấy tờ nhà để thế chấp vay vốn ngân hàng, cộng với sự hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Khởi nghiệp của Tỉnh đoàn và Thành đoàn Mỹ Tho cùng sự giúp đỡ của một số cá nhân, đã đầu tư thiết bị sản xuất, nhà xưởng đạt chuẩn quy định.

Theo Hùng, để tạo ra sản phẩm trà, việc phối trộn các thành phần thảo dược được tính toán sao cho đảm bảo được sự quân bình âm dương; đồng thời, kế thừa một cách sáng tạo công thức gia truyền của ông bà truyền lại (ông bà Hùng vốn hành nghề y học cổ truyền). Chẳng hạn, việc bổ sung cam thảo, hòe hoa, hoa mộc miên để tạo hương thơm, giúp nước trà có màu đẹp; thêm cỏ ngọt để giảm vị đắng…

Bên cạnh đó, nguyên liệu đưa vào chế biến cũng được kiểm tra nghiêm ngặt. Đối với dược liệu tươi (Vương Hùng thảo cùng dược liệu thu mua tại địa phương), sau khi rửa sạch, ngâm nước muối, được đưa vào phòng kín phơi sấy bằng ánh nắng mặt trời, sau đó mới chuyển qua công đoạn xay nhuyễn, rang trộn và đóng gói.

Hiện tại, ngoại trừ trà Sáo Tam Phân phục vụ mục đích từ thiện, 3 sản phẩm còn lại vừa được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; các sản phẩm này cũng được cơ sở công bố đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của ngành Y tế.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.