Thứ Năm, 15/09/2022, 21:05 (GMT+7)
.

Thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng tăng hơn 8.000 tỷ đồng

Ngày 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác Thi hành án dân sự (THADS) với nhiều kết quả tích cực, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng trên 8.000 tỷ đồng (vượt hơn 400%) so với cùng kỳ.

a
Bộ trưởng Lê Thành Long: Năm 2022, kết quả vượt bậc về số tiền thi hành đạt được với khoảng 59.000 tỷ, tăng trên 20.000 tỷ so với năm 2021, trên 17.000 tỷ so với năm 2020 - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhiều kết quả tích cực trong THADS 10 tháng

Báo cáo của Chính phủ về công tác THADS năm 2022 cho biết: Chính phủ tiếp tục xác định nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính (THAHC) nói chung và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 xác định: "Thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án".

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong THADS; tăng cường công tác phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đại biểu dân cử trong THADS, nhất là những vụ việc thi hành án có giá trị lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Thường trực Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đối với một số vụ việc khó khăn, phức tạp hoặc có giá trị lớn; chỉ đạo sát sao việc phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong công tác THADS nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương.

Trong 10 tháng (tính từ tháng 9-2021), với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Tư pháp, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống THADS, công tác THADS về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành xong về tiền đã đạt trên 58.824 tỷ đồng (đạt 31,18%), tăng trên 20.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và tăng trên 17.269 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng là trên 10.327 tỷ đồng, tăng trên 8.319 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021).

Đặc biệt, với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong 10 tháng đạt kết quả cao. Tổng số phải thi hành là 3.846 việc, tương ứng với 88.604 tỷ 902 triệu đồng. Số có điều kiện thi hành là 2.785 việc, tương ứng với 50.366 tỷ 691 triệu đồng. Đã thi hành xong 1.493 việc, tương ứng với 10.327 tỷ 728 triệu đồng (tăng hơn 8.319 tỷ đồng, tương đương tăng 414,3% về tiền so với cùng kỳ năm 2021).

THAHC đi vào nền nếp, khắc phục tình trạng nể nang

Về kết quả THAHC, nhiều bản án, quyết định có hiệu lực lâu năm đã được thi hành dứt điểm. Trong 10 tháng, tổng số bản án, quyết định là 873 (năm trước chuyển sang là 489). Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC đối với 365 bản án, quyết định.

Các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm trách nhiệm chức năng theo dõi THAHC theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, nhất là đối với 365 bản án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 307 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 61 vụ việc người phải thi hành án chậm thi hành án; đăng tải công khai lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử THADS và theo dõi đối với 345 quyết định buộc THAHC của Tòa án.

Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 287 bản án, quyết định; đang tiếp tục thi hành 586 bản án, quyết định, chủ yếu là các bản án, quyết định phát sinh trong năm 2021 và 2022. Riêng đối với 32 bản án, quyết định người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND được giám sát năm 2018, đến nay đã thi hành xong 26/32 việc .

Về xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân không chấp hành án hành chính, báo cáo của Chính phủ cho biết: Trên cơ sở 61 đề nghị của cơ quan THADS, của Bộ Tư pháp về xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan không chấp hành án hành chính, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt Thủ trưởng cơ quan cấp trên phải xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ THAHC theo quy định tại Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.

a
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác THADS

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phân tích: Nếu xét về số liệu, công tác THADS sau 2 năm có phần nén lại do dịch COVID-19. Năm 2022 đã đạt kết quả vượt bậc về số tiền thi hành đạt được với khoảng 59.000 tỷ, tăng trên 20.000 tỷ so với năm 2021, trên 17.000 tỷ so với năm 2020.

Các vụ án về tham nhũng, kinh tế thì số thu được tuyệt đối cho đến thời điểm báo cáo khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng khoảng 8.500 tỷ đồng so với cùng kỳ báo cáo năm 2021. Vấn đề này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá rất cao. Đặc biệt, có "cú hích" về mặt chiến lược đó là có Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; sửa đổi, bổ sung một số các văn bản quy phạm pháp luật trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều về ủy thác xử lý tài sản thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản trong thời gian qua. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của hệ thống chính trị và các cơ quan trong công tác tố tụng, từ khởi tố, điều tra, đánh giá và định giá tài sản bảo đảm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, năm 2022 Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác THADS và đạt kết quả đáng ghi nhận. Kết quả thi hành xong 10 tháng đạt 68,20% (tăng 1,98%), về tiền đạt 31,18% (tăng 5,93%). Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện, đã thi hành xong 1.493 việc, với 10.327 tỷ đồng (tăng 8.319 tỷ đồng).

Đối với công tác THAHC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc THAHC. Bộ Tư pháp và cơ quan THADS đã ban hành 61 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác THAHC nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào.

Về hoạt động thừa phát lại, cả nước có 145 văn phòng thừa phát lại (tăng 19 Văn phòng so với cùng kỳ), với 408 văn phòng thừa phát lại đang hành nghề. Tổng doanh thu đạt hơn 184 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 để có những chuyển biến tích cực trong công tác THADS và theo dõi THAHC.

Riêng việc thu hồi các khoản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thì năm 2022 có sự chuyển biến rất tích cực. Chúng ta đã thu hồi tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng so với năm 2021 và đạt tỷ lệ tương đương trên 414% so với năm 2021./.

Theo baochinhphu.vn


 

.
.
.