Thứ Hai, 12/09/2022, 09:32 (GMT+7)
.

Tiền Giang "mở cửa" chào đón nhà đầu tư

Tiền Giang đóng vai trò cửa ngõ của TP. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có điều kiện phát triển về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng; du lịch sinh thái sông nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

Nhờ những lợi thế hiện hữu và sự nỗ lực không ngừng, Tiền Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

NHÀ ĐẦU TƯ HÀI LÒNG

Nhận thấy những tiềm năng và cơ hội, Tập đoàn Thành Thành Công là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư nhà máy điện gió trên địa bàn Tiền Giang. Đến nay, Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 đã được đưa vào sử dụng. Riêng Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 cũng dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2022. Theo đại diện Tập đoàn Thành Thành Công, trong thời gian đầu khi tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư ở Tiền Giang, doanh nghiệp (DN) cũng lo lắng về trình tự thủ tục cũng như môi trường đầu tư.

Tuy nhiên, qua tiếp cận, làm việc với địa phương, chúng tôi nhận thấy môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện nhanh và cởi mở nhiều hơn so với những ngày đầu mới đến đầu tư. Cụ thể là, cơ quan quản lý nhà nước đã đồng hành, giải quyết kịp thời các khó khăn của DN thông qua những cuộc họp nhanh nên công việc ngày càng thuận lợi hơn.

Ngoài các dự án điện gió, tập đoàn đang tiếp tục đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Tiền Giang với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng. Đây là một dạng năng lượng sạch và là xu hướng phát triển của thế giới. DN mong muốn được tạo điều kiện nghiên cứu đầu tư để dự án được triển khai đúng tiến độ đề ra.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng nhận thấy Tiền Giang là địa phương có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển nên tìm kiếm cơ hội đầu tư. Từ năm 2016, Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát đã đầu tư 2 nhà máy chế biến trái cây tại Tiền Giang (1 nhà máy tại TP. Mỹ Tho, 1 nhà máy tại TX. Gò Công). DN đã cử các chuyên gia nước ngoài đến tỉnh để nghiên cứu và kết luận đây là nơi DN cần phát triển trong tương lai do Tiền Giang là nơi có sản lượng trái cây lớn nhất cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc sản xuất Nhà máy Gò Công (Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát) cho biết, khi đầu tư ở tỉnh, DN có nhiều thuận lợi nhờ có nguồn trái cây rất phong phú để phát triển sản xuất chế biến. Đây là lợi thế rất lớn. Từ năm 2016 đến nay, DN cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn mới triển khai đầu tư. Tuy nhiên, DN nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.

Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 do Tập đoàn Thành Thành Công đầu tư đã được đưa vào sử dụng.     			        	        Ảnh: VĂN THẢO
Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 do Tập đoàn Thành Thành Công đầu tư đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: VĂN THẢO

Là một DN vừa đến đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty IDICO cho biết, công ty đã nghiên cứu và đánh giá tỉnh có nhiều lợi thế để đầu tư. Để cụ thể hóa quyết tâm trên, IDICO đã thành lập DN tại tỉnh với nguồn vốn 900 tỷ đồng để tiếp cận các dự án đầu tư. Hiện DN đang quan tâm các dự án khu công nghiệp. DN cũng là nhà đầu tư đề xuất dự án Khu công nghiệp (KCN) Tân Phước 1. IDICO rất mong muốn, quyết tâm thực hiện dự án này và cam kết tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp.

HỖ TRỢ KỊP THỜI

Với quy mô dân số gần 1,8 triệu người, tỉnh vừa là thị trường khá lớn so với vùng, vừa là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào; trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi hơn 1,05 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 51,5%. Hiện Tiền Giang có trên 6.500 DN, hằng năm thành lập mới thêm 600 - 700 DN. Số DN này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng được xem là một trong những lợi thế không nhỏ của Tiền Giang. Chưa kể, Tiền Giang là tỉnh nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh. Điều này rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng.

Chưa dừng lại, quỹ đất phát triển phi nông nghiệp ở tỉnh còn khá lớn. Hiện ngoài 3 KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang có tỷ lệ lấp đầy gần 92%, tỉnh đã quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển 4 KCN (Bình Đông, Tân phước 1, Tân Phước 2, Soài Rạp) và các cụm công nghiệp. Hệ thống hạ tầng kết nối như: Giao thông, cấp điện, cấp nước… được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, tăng khả năng liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi liên kết sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ ở các đô thị, nhất là đô thị trung tâm 3 vùng của tỉnh như: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy và hướng trong thu hút đầu tư mới là kinh tế biển Gò Công của tỉnh.

Tiền Giang vừa ban hành và công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư gồm 59 dự án, với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao... Tại Hội nghị Giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư được tổ chức vào ngày 9-9, UBND tỉnh cũng đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 19.400 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh hy vọng rằng, đây là thời điểm mà chính quyền địa phương và nhà đầu tư cùng mang đến cho nhau những cơ hội hợp tác mới, cam kết mạnh mẽ để cùng nhau phát triển. Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh, trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời, tổ chức lập các quy hoạch xây dựng - đô thị, sử dụng đất; thực hiện công bố, công khai ngay các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, huyện… sau khi được phê duyệt đảm bảo người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận tài liệu quy hoạch, kế hoạch thuận lợi, dễ dàng.

Để tăng hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước…, đặc biệt là đối với các dự án giao thông quan trọng của quốc gia trên địa bàn như: Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, Cầu Rạch Miễu 2…

Tiền Giang đang và sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối với giao thông vùng như: Đường tỉnh 864 (dài 110 km, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng), đường ven biển nối TP. Hồ Chí Minh - Long An - Bến Tre - Trà Vinh…; đường giao thông kết nối trung tâm Đồng Tháp Mười…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh sẽ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; đồng thời, tiếp tục liên kết với các viện, trường, các tỉnh trong vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Với quan điểm luôn đồng hành cùng DN, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn được xem là nhiệm vụ trọng tâm và kiên trì thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng quy trình liên thông đối với thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu, chấp thuận nhà đầu tư), chủ trương nghiên cứu đến thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện.

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư; giáo dục đạo đức công vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trong giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư, DN.

A. PHƯƠNG - M. THÀNH

 

.
.
.