Thứ Hai, 12/09/2022, 15:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tận dụng lợi thế từ sản phẩm OCOP

(ABO) Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã và đang tận dụng lợi thế để tăng cường quảng bá, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Từ khi triển khai chương trình vào năm 2019 đến nay đã có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp được công nhận OCOP. Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) hiện đã có 4 sản phẩm được công nhận OCOP. Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển Huỳnh Văn Danh cho biết, các sản phẩm OCOP đã góp phần rất quan trọng đưa doanh thu của công ty tăng trưởng khoảng 20% hằng năm.

Hiện nay, nhiều khách hàng đã biết đến Chương trình OCOP nên tin tưởng đến những sản phẩm đã được chứng nhận. Trước những lợi thế hiện nay, công ty đang làm hồ sơ cho 4 sản phẩm tiếp theo để được công nhận OCOP, với mong muốn đưa ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

“Hiện nay, công ty cũng có nhiều kênh quảng bá sản phẩm nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, như thông qua hệ thống siêu thị, các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Công ty chúng tôi kỳ vọng những năm tới đây sản phẩm OCOP chiếm 50% thị phần trong tổng lượng gạo công ty cung ứng ra thị trường”- ông Huỳnh Văn Danh cho biết.

Sản phẩm OCOP của Công ty Thiên Ân.
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Là một trong những doanh nghiệp triển khai và sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP từ khi chương trình bắt đầu triển khai thực hiện, đánh giá về hiệu ứng Chương trình OCOP, bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết, Chương trình OCOP đã góp phần khuyến khích, động viên rất lớn trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, công ty đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi cấy khép kín và chế biến các sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo.

Công ty luôn xác định xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc, đi từng bước ổn định, chú trọng về chất lượng và tập trung xây dựng quy trình an toàn thực phẩm. Nhờ đó, đến nay quy trình sản xuất của công ty đạt tiêu chuẩn ISO 2000, các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh và của khu vực. “Trong tương lai, ngoài tập trung củng cố sản phẩm chủ lực, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, công ty cố gắng chủ động tiếp cận nhiều hơn với thị trường tiêu thụ thông qua các kênh khác nhau”- bà Trần Thị Luôn cho biết.

Là đơn vị có nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn Bùi Băng Sơn cho biết, đơn vị hiện có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Sau khi các sản phẩm được chứng nhận OCOP công ty được các sở, ngành, địa phương hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại nên giá trị sản phẩm ngày càng được nâng tầm, quảng bá rộng rãi trong cả nước, nhờ đó số lượng hàng tiêu thụ tăng theo.

Người tiêu dùng cũng bắt đầu tin tưởng sản phẩm OCOP thông qua việc xây dựng được thương hiệu riêng. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của công ty xấp xỉ 20% mỗi năm. Công sẽ tiếp tục đăng ký từ 5 - 10 sản phẩm OCOP, với các sản phẩm mới như nước yến lon, bánh yến… và hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm từ yến.

Để tận dụng và khai thác tốt hơn sản phẩm OCOP, mới đây Công ty TNHH TMDV Trí Sơn tổ chức Lễ khai trương điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang tại Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang. Ông Bùi Băng Sơn cho biết, với hệ thống quản lý chặt chẽ từ trang trại đến tay người tiêu dùng và quy trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP, Yến Sào Trí Sơn đã và đang không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời công ty còn kết hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trong dự án nghiên cứu khoa học để phát triển thêm các sản phẩm mới từ tổ yến.

Công ty TNHH TMDV Trí Sơn đã và đang tận dụng lợi thế từ sản phẩm OCOP.
Công ty TNHH TMDV Trí Sơn đã và đang tận dụng lợi thế từ sản phẩm OCOP.

Đánh giá chung cho thấy, từ khi triển khai thực hiện đến nay, Chương trình OCOP của tỉnh Tiền Giang đã phát huy tác dụng và tạo nên sức lan tỏa lớn. Tính đến nay, tỉnh Tiền Giang đã công nhận 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 75 sản phẩm 4 sao và 44 sản phẩm 3 sao, với 36 chủ thể tham gia trong đó có 8 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 6 hộ sản xuất, kinh doanh.

Nhìn chung, sản phẩm sau khi được đánh giá, các chủ thể đưa vào sản xuất phát triển mạnh trên thị trường, nhiều sản phẩm được đưa vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các giỏ quà tặng; các doanh nghiệp, cơ sở là chủ thể sản phẩm OCOP cũng từng bước mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm.

Một trong những điển hình là Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây), ban đầu mới có 4 sản phẩm, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nay đã phát triển 14 dòng sản phẩm và hiện đã mở hơn 30 đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng...

Chưa kể, sản phẩm mắm tôm chà Gò Công sau khi được chứng nhận OCOP, được hệ thống các siêu thị đưa vào kinh doanh, nên doanh số tăng hàng trăm triệu mỗi tháng, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, sản phẩm không đủ cung cấp cho các gói Compo phục vụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Hợp tác xã Đông Nghi, với sản phẩm OCOP từ sữa dê, đã mở rộng nâng cấp thành điểm du lịch nông thôn, mở nhiều đại lý phân phối từ Phú Quốc, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, với doanh số hiện đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng và hiện không đủ nguyên liệu để sản xuất…

TA

.
.
Công ty yến sào Khánh Hòa Yến sào LifeNest
.