Thứ Năm, 29/09/2022, 09:38 (GMT+7)
.

TX. Cai Lậy: Hiệu quả từ mô hình thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế

Những năm qua, Thị đoàn Cai Lậy, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chú trọng thành lập các câu lạc bộ (CLB) đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế, nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Trên địa bàn TX. Cai Lậy đang duy trì 6 CLB đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế. Những năm qua, các CLB này đã góp phần động viên, giúp đỡ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Đoàn Thanh niên TX. Cai lậy ra mắt CLB Nuôi cá chạch lấu tại xã Mỹ Hạnh Trung.
Đoàn Thanh niên TX. Cai lậy ra mắt CLB Nuôi cá chạch lấu tại xã Mỹ Hạnh Trung.

Các CLB đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế tại xã Mỹ Hạnh Trung là một trong những mô hình điển hình hoạt động có hiệu quả.

Tháng 5-2020, CLB Nuôi ốc bươu đen được thành lập nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, chia sẻ những khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế. Khi mới thành lập, CLB Nuôi ốc bươu đen có 4 thành viên, đến nay đã có 10 thành viên là đoàn viên, thanh niên của xã.

Riêng CLB Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng và gần nhất là CLB Nuôi cá chạch lấu an toàn sinh học trong bể (vèo) vừa được thành lập vào cuối tháng 8 vừa qua với 6 thành viên cũng đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều đoàn viên, thanh niên và các hộ gia đình của xã có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Hiện tại, CLB  Nuôi cá chạch lấu an toàn sinh học trong bể (vèo) có 3 thành viên triển khai nuôi, mỗi thành viên được hỗ trợ 50% con giống là 600 con và 30% thức ăn đến ngày thu hoạch.

Bí thư Xã đoàn Mỹ Hạnh Trung Phan Châu Quận cho biết, nét nổi bật của các CLB đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế trên địa bàn xã là hoạt động tạo nguồn vốn vay và định hướng giúp các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích, hỗ trợ cây, con giống và thức ăn; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Qua đây không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn tạo hướng đi mới cho các đoàn viên, thanh niên của xã trong việc tận dụng các lợi thế sẵn có của tự nhiên để đưa vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho bản thân và gia đình.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại xã Nhị Quý.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng tại xã Nhị Quý.

Hiện nay, Xã đoàn Nhị Quý đang quản lý và duy trì hiệu quả CLB Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình, mỗi thành viên trong CLB đã sản xuất được khoảng 6.000 con lươn giống và 100 kg lươn thương phẩm, cung cấp giống cho đoàn viên và người dân trong xã mở rộng mô hình.

Riêng lươn thương phẩm được cung cấp tại các chợ truyền thống của địa phương. Với giá lươn giống hiện nay khoảng 40.000 đồng/200 gram/con và giá lươn thương phẩm dao động từ 180.000 -  200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các thành viên CLB thu lãi hàng chục triệu đồng cho một lứa nuôi. 

Theo Phó Bí thư Xã đoàn Nhị Quý Lê Cảnh Thơ, không chỉ giúp đỡ đoàn viên, thanh niên bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, một số CLB đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế của xã còn phối hợp với các hội, đoàn thể của thị xã, của xã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên, tổ chức cho thanh niên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế tiêu biểu ở các địa phương khác. Từ đó, giúp các CLB ngày càng phát triển ổn định và mở rộng quy mô hoạt động.

Mô hình  Nuôi cá chạch lấu tại xã Mỹ Hạnh Trung.
Mô hình Nuôi cá chạch lấu tại xã Mỹ Hạnh Trung.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TX. Cai Lậy Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, mặc dù đã đạt được những hiệu quả nhất định, song các CLB đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Đoàn viên, thanh niên vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi hoặc vốn vay còn ít nên các mô hình kinh tế thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ.

Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, kiến thức về thị trường và gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, các mô hình CLB đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong đoàn viên, thanh niên.

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, việc duy trì các CLB này còn góp phần giúp các tổ chức Đoàn trong toàn thị xã thu hút, tập hợp được đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, xây dựng và củng cố tổ chức Đoàn tại cơ sở ngày càng phát triển vững mạnh.

CẨM MAI

.
.
.