.

Xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn héc ta lúa ở ĐBSCL

Cập nhật: 16:42, 27/09/2022 (GMT+7)

Tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo là sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng lại ít nghiêm trọng hơn thời điểm năm 2015-2016 và 2019-2020. Tuy nhiên, Cục trồng trọt cảnh báo, có hàng trăm nghìn héc ta lúa ở các địa phương ven biển vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Cống Cái Lớn, công trình kiểm soát mặn- ngọt lớn nhất ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
Cống Cái Lớn, công trình kiểm soát mặn- ngọt lớn nhất ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Theo dự báo của Tổng cục Thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở các vùng cửa sông Cửu Long, vào tháng 11 và 12-2022, ranh mặn 4 gam/lít ở mức cách các cửa sông 20-30 km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thuỷ lợi.

Đến tháng 1 và 2-2023, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu hơn và cách cửa sông khoảng 50-60 km, cao hơn 5-8 km so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn khoảng 8-20 km so với năm 2020. Tuy xâm nhập mặn không cao nhưng phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, đặc biệt là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.

Đến tháng 3-2023, tình trạng xâm nhập mặn ở mức nào tùy thuộc vào điều tiết nước từ các đập ở thượng nguồn sông Mekong. Chẳng hạn, nếu nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm nhưng nếu nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 2-2023.

Với khu vực sông Vàm Cỏ, vào tháng 11 và 12-2022, ranh mặn 4 gam/lít cách cửa sông 30-40 km, cũng chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thuỷ lợi.

Tuy nhiên, vào tháng 1 và 2-2023, ranh mặn 4 gam/lít sẽ xâm nhập sâu và cách cửa sông 60-65 km, cao hơn 5-10 km so với trung bình nhiều năm và thấp hơn 15-20 km so với 2020. Đến tháng 3-2023, ranh mặn 4 gam/lít có thể lên 65-70 km, cao hơn trung bình nhiều năm 5-10 km và thấp hơn năm 2020 khoảng 10-20 km.

Ở ven biển Tây trên sông Cái Lớn, cống Cái Lớn đã được vận hành nên xâm nhập mặn được kiểm soát.

Căn cứ vào dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô 2022-2023 như nêu trên, Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, chỉ tính vào thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000 héc ta diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển. Trong đó, Tiền Giang khoảng 11.900 héc ta; Bến Tre 12.000 héc ta; Trà Vinh 15.000 héc ta và Sóc Trăng là 20.000 héc ta.

Đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng gây ảnh hưởng đến 43.300 héc ta, trong đó Long An 3.100 héc ta; Tiền Giang 21.800 héc ta; Bến Tre 16.000 héc ta và Sóc Trăng 3.100 héc ta.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, các địa phương ven biển của ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang có diện tích khoảng 900.000 héc ta, chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng.

Trong số này, có nhiều địa bàn có khả năng bị nước mặn ảnh hưởng. Đó là, huyện Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hoá và thành phố Tân An (tỉnh Long An); các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, huyện Tân Phú Đông, Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang); các huyện Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh); huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng); huyện Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); huyện Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang).

Theo ông Tùng, các vùng ven biển của tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang khoảng 400.000 héc ta cần được xuống giống sớm, từ ngày 10 đến 30-10-2022 để tránh tình trạng thiếu nước vào cuối vụ.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.