Thứ Bảy, 22/10/2022, 22:05 (GMT+7)
.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Góp nhiều ý kiến về kết quả phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách năm 2022

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 22-10, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở và thảo luận tại tổ.

Theo đó, trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý). Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

* GÓP Ý HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH

Tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến phát biểu thảo luận về các nội dung trên.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đóng góp ý kiến thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý cũng như tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, dù đạt những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn không ít tồn tại hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị, Chính phủ trong thời gian tới cần phải lưu ý đối với hoạt động của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, căn cứ Nghị quyết 792 ngày 22-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, thì đến nay qua 4 năm thực hiện Nghị quyết, đã có 5 quỹ tài chính nhà nước giải thể, một Quỹ thì chuyển nhiệm vụ chi thành nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước và 11 Quỹ đã và đang hoàn thiện. Căn cứ vào nghị quyết 792 hiện nay tiến độ triển khai là tương đối chậm.

Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 792 đề nghị sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý được thống nhất quản lý các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đến nay cũng chưa được Chính phủ triển khai thực hiện cũng như báo cáo chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và xem xét sáp nhập để giảm đầu mối. Vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa được đề cập rõ và việc triển khai thực hiện như thế nào thì cũng chưa được báo cáo tại Quốc hội kỳ họp này. Vì vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ và có giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

* GÓP Ý TÌNH HÌNH THỰC HIỆN THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025), đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng đóng góp ý kiến một số nội dung.

Cụ thể, liên quan đến việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng khoản thu này nhiều năm không đạt dự toán. Ước năm 2022 mới đạt 2,8 ngàn tỷ đồng, đạt khoảng 9,3% so với dự toán. Năm 2023, Chính phủ dự kiến khoản thu này là 3 ngàn tỷ đồng, giảm mạnh so với dự kiến năm 2022 là 30 ngàn tỷ đồng và cũng chỉ dự kiến hơn thực tế năm 2022 là 200 tỷ đồng. Đề nghị phải báo cáo rõ nguyên nhân việc giảm này, trong đó đề nghị cần làm rõ việc vướng mắc ở đâu, do từ chính sách pháp luật hay do trong tổ chức triển khai thực hiện, có giải pháp trong thời gian tới (2023 - 2025) để hoàn tất việc sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế.

Về giải ngân chi đầu tư phát triển, theo báo cáo 9 tháng năm 2022, tiến độ giải ngân vẫn chậm, chi đạt 46,7%, trong đó vốn nước ngoài chi đạt 19,03% kế hoạch, có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân dưới 20%. Ngoài nguyên nhân do báo cáo của Chính phủ, báo cáo tài chính, báo cáo kinh tế đã nêu thì đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cần làm rõ 14 bộ, cơ quan trung ương, địa phương này chỉ đạo triển khai chậm trong năm 2022 hay là những năm trước cũng đã rơi vào tình trạng này. Việc xử lý người đứng đầu gắn với trách nhiệm trong việc chậm triển khai trong thời gian qua như thế nào? Đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ khi nhận xét, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể gắn với việc xem xét vào cuối năm.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Về vấn đề thu từ dầu thô thì dự toán năm 2023 là 42 ngàn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dầu dự kiến khoảng 70 đô la 1 thùng. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhận thấy trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay giữa xung đột Nga - Ukraina, đặc biệt trong cuộc họp chính sách diễn ra tại Viên Áo mới đây, Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác cộng đã nhất trí cắt giảm sản lượng toàn cầu 2 triệu thùng một ngày, bắt đầu thực hiện trong tháng 11-2022 tới đây sẽ dẫn tới giá dầu vẫn giữ ở mức cao. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị rà soát, điều chỉnh lại giá dầu xác thực hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn nên cân đối giá dầu trong năm 2023 khoảng 80 đô la 1 thùng. Về điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu, Chính phủ đề nghị trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tăng cao hoặc vẫn ở mức cao trình Quốc hội giảm các mức đối với các loại xăng dầu và đề nghị ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cụ thể, báo cáo Quổc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhất trí với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là không thực hiện việc ủy quyền. Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động phân tích đa chiều, đầy đủ trình Quốc hội tại kỳ họp sớm nhất. Còn nếu đến hết ngày 31-12-2022 hiệu lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường hiện nay đang triển khai thực hiện đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, đề nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục gia hạn tiếp các phần này để làm sao giảm giá xăng, dầu trong thời gian tới, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt trong việc thanh, kiểm tra việc phân phối xăng, dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ, đầu cơ, găm hàng hoạt động không đúng quy định.

 THU HOÀI - MINH TRÍ

 

.
.
.