Thứ Năm, 13/10/2022, 21:43 (GMT+7)
.

Để dòng vốn FDI tiếp tục "chảy" vào Tiền Giang

(ABO) 6 tháng đầu năm 2022, Tiền Giang thu hút được 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 557 tỷ đồng (tương đương 24,34 triệu USD), đăng ký tăng vốn hơn 783 tỷ đồng (tương đương 35,45 triệu USD); nâng tổng vốn đầu tư thu hút 6 tháng đầu năm đạt 1.340,8 tỷ đồng (tương đương 59,79 triệu USD), bằng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 132 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,635 tỷ USD, từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 32 dự án, vốn đăng ký 1,005 tỷ USD, đứng thứ hai là Hàn Quốc với 30 dự án, vốn đăng ký 412 triệu USD, đứng thứ ba là Hồng Kông với 11 dự án, vốn đăng ký 294 triệu USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao quyết định chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu, giấy chứng nhận cho nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao quyết định chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu, giấy chứng nhận cho nhà đầu tư.

Để dòng vốn FDI tiếp tục "chảy" vào Tiền Giang, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Tiền Giang cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, chủ động tiếp cận, nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn tỉnh để kịp tháo gỡ; kiên quyết không để các tồn đọng kéo dài làm nản lòng các doanh nghiệp.

Thứ hai, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư, trong đó cần xác định rõ những lĩnh vực cần thu hút đầu tư trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2022; chuẩn bị mặt bằng, quỹ đất sạch cho các dự án kêu gọi đầu tư; lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức danh mục mời gọi đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, sau đó cho tiến hành dịch thuật ra các thứ tiếng nước ngoài thông dụng, kèm theo quy hoạch chi tiết từng dự án nếu có.

Thứ ba, là thay đổi và đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư như: Xúc tiến qua các doanh nghiệp FDI đang có dự án đầu tư tại tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực, nhất là TP. Hồ Chí Minh; gặp gỡ các cơ quan đại diện ngoại giao các nước, các cơ quan thương vụ, hiệp hội doanh nghiệp các nước, các tập đoàn kinh tế lớn…; tổ chức các đoàn đi xúc tiến ở các nước, trong đó nên tập trung vào các doanh nghiệp lớn, thị trường trọng điểm, tiềm năng; tích cực tham gia hoặc trực tiếp tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư; nghiên cứu thành lập các văn phòng chuyên trách về xúc tiến đầu tư và thương mại - du lịch như: Japanese Desk, Korean Desk…

Thứ tư, là tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư các dự án khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã được phê duyệt để tạo không gian thu hút đầu tư.

Thứ năm, là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh: (i) kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu (ii) đa dạng hóa đối tác; và (iii) giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; có biện pháp giữ chân lao động có tay nghề cao làm việc tại tỉnh.

Thứ bảy, là tiếp tục đầu tư xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thủy bộ nội tỉnh và kết nối liên vùng; đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định bền vững, trong đó chú ý nguồn cung năng lượng xanh theo cam kết của Chính phủ. Ngoài ra, vấn đề cung ứng nước sạch, dịch vụ viễn thông, xử lý rác thải, nước thải… cũng phải được đầu tư đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.

Thứ tám, là chủ động tận dụng các cơ hội và lợi thế đem lại từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Chú trọng việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp của tỉnh để tăng cường sự liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới; qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp cũng cần đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; tiên phong thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Và cuối cùng là phải tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa và đảm bảo về an ninh - quốc phòng. Cần lưu ý hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh để áp dụng có chọn lọc. Các chính sách mới do tỉnh ban hành phải đảm bảo mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới…

LƯU PHI

 

.
.
.