Thứ Ba, 04/10/2022, 15:31 (GMT+7)
.

Gạo Việt tiếp tục tăng giá sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu

Sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% với nhiều loại lúa gạo như gạo trắng, thị trường lúa gạo Việt Nam tiếp tục sôi động khi giá xuất khẩu và cả thị trường nội địa đều tăng.

Với xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng khoảng 30 đô la Mỹ/tấn còn gạo 25% tấm tăng khoảng 25 đô la Mỹ/tấn.

Giá lúa gạo Việt tăng mạnh sau chính sách mới của Ấn Độ. Ảnh: Trung Chánh
Giá lúa gạo Việt tăng mạnh sau chính sách mới của Ấn Độ. Ảnh: Trung Chánh

Ngày 8-9 vừa qua, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã quyết định cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% với nhiều loại lúa gạo như gạo trắng. Điều này, làm cho giá bán gạo của một số thị trường, trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng.

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trước thời điểm ngày 8-9, tức trước khi Ấn Độ có chính sách như vừa nêu trên, gạo 5% tấm được chào bán với giá 393-397 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm là 378-382 đô la Mỹ/tấn và gạo 100% tấm có giá là 383-387 đô la Mỹ/tấn.

Đến thời điểm hiện tại, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 423-427 đô la Mỹ/tấn; 25% tấm là 403-407 đô la Mỹ/tấn, trong khi gạo 100% tấm đã tạm ngưng chào giá.

Như vậy, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đã tăng khoảng 30 đô la Mỹ/tấn so với trước khi Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu gạo. Trong khi đó, gạo 25% tấm cũng tăng khoảng 25 đô la Mỹ/tấn.

Riêng với gạo 100% tấm, trao đổi với KTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp có xuất khẩu loại gạo này (không muốn nêu tên) xác nhận, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, nguồn gạo tấm giá rẻ từ quốc gia này về Việt Nam đã bị cắt đứt. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm bánh, bún… cho nên các doanh nghiệp hầu như đã ngưng chào giá xuất khẩu ở phân khúc này.

Ở thị trong nước, thương lái cũng đẩy mạnh giá mua các loại lúa như OM18, Đài Thơm 8 so với thời điểm trước khi Ấn Độ có quyết định như nêu trên.

Theo đó, với lúa OM18 và Đài Thơm 8, hiện thương lái ở Đồng bằng sông Cửu Long mua với giá 6.000-6.100 đồng/kg lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tăng khoảng 400 đồng/kg so với trước đây.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho biết, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu, kế đến là Thái Lan. Sáu tháng đầu năm nay, Ấn Độ xuất khẩu gạo khoảng 11,3 triệu tấn còn Thái Lan xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn trong 7 tháng qua.

Chính vì vậy, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo trắng đã lập tức tác động đến diễn biến thị trường thế giới. “Điều này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo toàn cầu cho nên thời gian tới, giá trên thị trường sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung gạo từ Ấn Độ giảm”, ông Nam dự báo.

Báo cáo của VFA cũng cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 4,8 triệu tấn, với trị giá đạt 2,332 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,7% về lượng và 9,89% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm nay đạt 486,49 đô la Mỹ/tấn, giảm 47,86 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ.

Dự báo, cả năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,3-6,5 triệu tấn gạo, tăng khoảng 100.000-200.000 tấn so với năm 2021.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.