Thứ Ba, 04/10/2022, 07:51 (GMT+7)
.

Tiền Giang có 49 "Điểm bán hàng Việt Nam"

(ABO) Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về “Điểm bán hàng Việt Nam” với chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam” (gọi tắt là Chương trình) của Bộ Công thương, từ năm 2014 đến nay, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã triển khai tổ chức 11 “Điểm bán hàng Việt Nam”.

Lãnh đạo Sở Công thương và các ban, ngành tỉnh Tiền Giang tham quan một trong những “Điểm bán hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở Công thương và các ban, ngành tỉnh Tiền Giang tham quan một trong những “Điểm bán hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn tổ chức trên 38 “Điểm bán hàng Việt Nam” từ nguồn kinh phí cấp huyện và nguồn xã hội hóa; trong đó, nhiều nhất là TX. Gò Công với 22 điểm bán, kế đến là huyện Chợ Gạo với 8 điểm, huyện Châu Thành 5 điểm.

“Điểm bán hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu dựa trên cơ sở các cửa hàng bách hóa hiện có của các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh cá thể, đảm bảo đáp ứng theo quy định về “Điểm bán hàng Việt Nam” của Bộ Công thương.

Đối với những Điểm bán hàng Việt Nam được hỗ trợ từ kinh phí của Bộ Công thương sẽ được hỗ trợ về trang trí khu vực bán hàng, bảng tên cửa hàng, khẩu hiệu tuyên truyền trong gian hàng, trang bị quầy, kệ trưng bày hàng hóa và được tuyên truyền trên hệ thống thông tin của tỉnh… Đối với những “Điểm bán hàng Việt Nam được hỗ trợ từ kinh phí của tỉnh được hỗ trợ bảng tên cửa hàng, khẩu hiệu trong cửa hàng và công tác tuyên truyên trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

ẢNH 2: Một “Điểm bán hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Một “Điểm bán hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Hàng hóa được bày bán tại các “Điểm bán hàng Việt Nam” đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... Đồng thời, việc thực hiện bán hàng của các "Điểm bán hàng Việt Nam" đều dưới sự giám sát của Sở Công thương và các ngành chức năng tại địa phương. Do đó, hầu hết các “Điểm bán hàng Việt Nam” là địa chỉ mua sắm uy tín trên địa bàn, nên sức mua tại các điểm bán hàng đều tăng từ 15% - 50 % so với trước khi trở thành “Điểm bán hàng Việt Nam”.

Việc triển Chương trình đã góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như hình thành một loại hình điểm mua bán mới đối với hàng hóa Việt Nam.

THÙY TRANG

 

.
.
.