Tiền Giang: Doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu than khó
(ABO) Bên cạnh nguồn cung hạn chế, mức chiết khấu hoa hồng xăng, dầu rất thấp, thậm chí bằng 0 khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu điêu đứng. Một số DN đã phải xin tạm ngừng hoạt động vì không chịu nổi thua lỗ.
Những ngày qua, tình hình cung ứng xăng dầu ở tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, một số cửa hàng bán lẻ treo bảng hết xăng, dầu. Mức chiết khấu hoa hồng có thời điểm bằng 0 nên nhiều cửa hàng phải gánh lỗ.
Theo ông S., chủ một DN kinh doanh xăng, dầu tại TP. Mỹ Tho, những ngày qua, nguồn cung xăng, dầu vẫn khó khăn, tình hình chưa được cải thiện so với trước. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, trả lương cho nhân viên bán hàng, điện, nước, trung bình, 1 lít xăng, dầu DN bán ra lỗ khoảng 1.000 đồng. Hiện DN cố gắng bù lỗ để giữ mối. Mức chiết khấu xăng, dầu đầu mối cung ứng cho DN đang bằng 0. Các ngành cần giải quyết chuyện chiết khấu hoa hồng cho các đơn vị bán lẻ xăng, dầu. Nếu tình hình này kéo dài thì các cửa hàng không thể trụ nổi.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu. |
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng, dầu, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới, sáng ngày 12-10, Bộ Công thương sẽ chủ trì tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các DN đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng, dầu để bàn các giải pháp đảm bảo nguồn cung. |
Theo đại diện DN kinh doanh xăng, dầu V. P., DN đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng, dầu để duy trì hệ thống đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. DN đã đề nghị thương nhân đầu mối tăng thêm sản lượng nhưng chưa được đáp ứng. Nếu không cung cấp đủ số lượng, hệ thống đại lý và cửa hàng bán lẻ của DN sẽ phải đóng cửa, không thể phục vụ nhu cầu người dân. Mặt khác, tình hình chiết khấu hoa hồng từ ngày 1-9 đến nay rất thấp (từ 50 đồng đến 200 đồng/lít), có thời điểm là 0 đồng/lít giao tại kho. Nếu tính chi phí vận chuyển đến đại lý thì sẽ bị lỗ nên nhiều đại lý không đồng ý nhập hàng về bán.
Theo lãnh đạo một DN đầu mối cung ứng xăng, dầu tại TP. Mỹ Tho, hiện DN nhập xăng, dầu với mức hoa hồng bằng 0. Khi giao cho các cửa hàng bán lẻ, DN phải lỗ phần chi phí vận chuyển, chưa kể tiền lương cho nhân viên và các khoản khác.
Các cửa hàng bán lẻ mà DN cung ứng xăng dầu cũng chịu chung khó khăn khi mức hoa hồng bằng 0. “Bây giờ mình phải “gồng” chịu lỗ để nuôi các đại lý, chứ không thể nào bỏ được. Từ đầu năm tới giờ, DN đã thua lỗ rất nhiều” - đại diện DN này cho biết.
Trước diễn biến thị trường xăng, dầu hiện nay, theo Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, nằm trong tình hình chung của cả nước, tình hình biến động xăng, dầu trên địa bàn tỉnh hiện khá phức tạp. Một số DN do mức hoa hồng thấp cũng như biến động của thị trường thế giới nên các đơn vị tổng đại lý, đầu mối cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ đôi khi chưa đảm bảo tính kịp thời.
Một số DN phản ánh do hoa hồng thấp, kinh doanh không có lãi nên đã gửi đơn đến Sở Công thương tỉnh Tiền Giang để tạm ngừng hoạt động. Tùy vào tình hình cụ thể, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ kiểm tra và xem xét đơn vị nào có lý do chính đáng thì được chấp nhận cho tạm ngừng hoạt động.
Một số cửa hàng gặp khó khăn về nguồn hàng xăng, dầu. (Ảnh chụp chiều ngày 11-10). |
Tuy nhiên, số cửa hàng tạm ngừng hoạt động so với tổng số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cùng lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình cụ thể của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, đơn vị đầu mối để tránh đứt gãy nguồn cung.
Theo một số DN có gửi văn bản về Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, có đơn vị thông tin lại về mức chiết khấu hoa hồng. Cụ thể, có thời điểm, mức chiết khấu hoa hồng khoảng 200 - 300 đồng/lít, có thời điểm không có hoa hồng. DN phải chấp nhận lỗ chi phí như: Vận chuyển, lao động… Mức hoa hồng chưa đảm bảo chi phí các DN bỏ ra nên gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình hình này diễn ra trong ngắn hạn thì các DN sẽ vì khó khăn chung, cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh nhằm giữ các đối tác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều DN, đại lý gửi văn bản đến Sở Công thương tỉnh Tiền Giang xin tạm ngừng hoạt động, hiện sở đang xem xét. Trước đây có khoảng 16 đơn vị gửi đơn tới, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã xem xét và có văn bản chấp nhận cho 6 DN xin tạm ngừng hoạt động. Hiện thỉnh thoảng có khoảng vài cửa hàng gửi đơn xin tạm ngừng hoạt động, sở đang xem xét từng trường hợp. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Công thương có những giải pháp phù hợp để tạo sự ổn định cho thị trường xăng, dầu, nhất là từ nay đến Tết.
T.A - A.T