TX. Cai Lậy: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Hiện nay, trên địa bàn TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có 4 sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh hạng 3 sao. Các sản phẩm đã đạt OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Lạp xưởng tươi Cô Tuyết từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |
SẢN PHẨM OCOP VƯƠN XA
Thời gian qua, TX. Cai Lậy đã không ngừng tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa Chương trình OCOP đến với các chủ thể sản xuất trên địa bàn thị xã.
Hiện nay, trên địa bàn TX. Cai Lậy có 4 sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao, đó là các sản phẩm: Lạp xưởng tươi Cô Tuyết của Cơ sở Phạm Hoàng Nam (phường 4), đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Phú Quý (xã Mỹ Phước Tây), sầu riêng chín tự nhiên của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 9 Phẻ (xã Long Khánh) và cơm cháy chà bông Cô Đèo (xã Tân Phú) vừa được UBND tỉnh thẩm định đánh giá sản phẩm.
Sau hơn 15 năm làm lạp xưởng tươi, năm 2021, Cơ sở Phạm Hoàng Nam (phường 4, TX. Cai Lậy) đã được Phòng Kinh tế thị xã hướng dẫn thủ tục đăng ký Lạp xưởng tươi Cô Tuyết trở thành sản phẩm OCOP. Ông Phạm Hoàng Nam, chủ cơ sở cho biết, khi trở thành sản phẩm OCOP, lạp xưởng của cơ sở được truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên được nhiều người tin tưởng hơn. Đến nay, sản phẩm lạp xưởng tươi của cơ sở được phân phối trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất và tiêu thụ từ 2 - 3 tấn lạp xưởng, tăng 20% - 30% so với trước kia.
Đồng chí Nguyễn Văn Thôn cho biết, Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng trong phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở địa phương do doanh nghiệp và hộ kinh doanh và hợp tác xã thực hiện. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm OCOP là tạo giá trị bền vững và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa - kinh tế thị trường tại địa phương, chuyển tải những giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP. |
Năm 2018, anh Lê Minh Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Phú Quý (xã Mỹ Phước Tây) bắt đầu nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Sau 1 năm thử nghiệm thành công, anh đã đi vào sản xuất với số lượng nhiều.
Tháng 7-2022, anh Trường đã đăng ký thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa là phương pháp bảo quản đông trùng hạ thảo tươi tốt nhất hiện nay, do vậy khâu bảo đảm vệ sinh phải an toàn tuyệt đối.
Anh Trường chia sẻ, sau khi tham gia sản phẩm OCOP, trung bình 1 tháng, anh Trường nuôi trồng, chế biến và bán khoảng 2 kg đông trùng hạ thảo đã sấy thăng hoa, tăng gấp đôi so với trước kia. Sản phẩm của anh không chỉ bán trong và ngoài tỉnh, mà còn được bán ra nước ngoài.
“CHẮP CÁNH” CHO SẢN PHẨM OCOP
Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Cai Lậy Nguyễn Văn Thôn cho biết, thực tế cho thấy các hộ sản xuất nhỏ, kể cả hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn, quy mô sản xuất cũng khó đủ lượng để cung cấp cho siêu thị trên cả nước. Do đó, sản phẩm OCOP phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc trưng của sản phẩm.
“Câu chuyện sản phẩm” chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, khó khăn của địa phương hiện nay là một số chủ thể sản xuất không hợp tác để làm hồ sơ thực hiện sản phẩm; với tiêu chí mỗi xã một sản phẩm, nhưng một số xã hiện nay không có sản phẩm đặc trưng để vào sản phẩm OCOP.
Anh Lê Minh Trường không ngừng nghiên cứu để đưa sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng. |
Để tạo động lực và cơ hội cho sản phẩm OCOP phát triển, Ban Chỉ đạo OCOP thị xã đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng.
Đặc biệt, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR ứng dụng trên điện thoại di động, đảm bảo công khai thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP để OCOP trở thành một thương hiệu, hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Để “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP, thị xã đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh đầu tiên trên địa bàn thị xã tại hộ ông Phan Văn Tiếp cặp tuyến tránh Quốc lộ 1, ngân sách nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để trang trí và bố trí kệ trưng bày sản phẩm. Đây là nơi kết nối tiêu thụ, liên kết sản xuất, quy tụ sản phẩm chất lượng của ngành Nông nghiệp của tỉnh, là điểm đến cho nhân dân, khách hàng tin dùng.
Còn anh Lê Minh Trường chia sẻ, sau khi được nhiều khách hàng phản hồi tích cực về sản phẩm đông trùng hạ thảo, anh tiếp tục nghiên cứu để nâng cao năng suất, chất lượng, đưa sản phẩm OCOP chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng. Trong thời gian tới, khi có những hội chợ thương mại, anh sẽ đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm để quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đồng thời, nghiên cứu chiến lược thị trường để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng như: Tổ yến chưng với đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo… Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, cơ sở lạp xưởng của ông Phạm Hoàng Nam đã lập website quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, ông còn đầu tư máy hút chân không, thiết kế và in ấn hộp đựng lạp xưởng để phù hợp với nhu cầu biếu tặng của khách hàng trong các dịp lễ, tết.
Đồng chí Nguyễn Văn Thôn cho biết thêm, thời gian tới, thị xã chú trọng đưa công tác truyền thông, mục tiêu là khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể phát triển sản phẩm đó tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển.
Thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Các cấp, các ngành tiếp tục định hướng, tư vấn và nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… cho các cơ sở, địa phương chưa có sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng các sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó từng bước nâng tầm sản phẩm nông sản của địa phương và góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
HÀ NAM