Thứ Ba, 15/11/2022, 20:20 (GMT+7)
.

Bộ Công Thương nêu giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu

Ngày 15/11, tại buổi họp giao ban báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải có báo cáo thông tin về tình hình thị trường xăng dầu trong nước, đưa ra một số giải pháp của bộ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng, phụ thuộc lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Đây là điều hiển nhiên vì nước ta nhập khẩu 20-25% xăng dầu vào sử dụng thị trường trong nước, số còn lại do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn sản xuất.

Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang nhập khẩu 100% nguồn dầu thô để chế biến. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng sử dụng 50% nguồn dầu thô nhập khẩu. Như vậy, chúng ta vẫn phụ thuộc 80% dầu thô và xăng dầu thành phẩm để sử dụng.

Từ cuối năm 2021, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine xảy ra (bắt đầu từ tháng 2/2022), thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao (giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 57-85% so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên lục, đã hơn 10 lần giảm giá, người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu được hưởng lợi, CPI ổn định, nhưng doanh nghiệp xăng dầu thì chịu nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của Opec+ và hiện nay tiếp tục có diễn biến phức tạp.

"Hiện nay thị trường xăng dầu thế giới là không bình thường, thậm chí 1 số chuyên gia cho rằng đây là trạng thái dị biệt. Do đó, các giải pháp điều hành cũng sẽ có những chính sách đặc biệt, khác với bình thường" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thời gian qua, việc điều hành mặt hàng xăng dầu được thực hiện với mục tiêu hài hòa lợi ích của người dân, người sử dụng xăng dầu; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Nhà nước.

Trong khi đó, hiện nay, cơ quan điều hành chỉ có duy nhất 1 công cụ điều hành giá xăng dầu là Quỹ Bình ổn giá, để khi giá xăng dầu tăng quá cao thì bù vào. Tuy nhiên quỹ này sử dụng từ tiền mua xăng dầu của người dân, nên khi quỹ âm thì không còn tác dụng. Bên cạnh đó, công cụ về thuế phí cũng đã được sử dụng thời gian qua. Song công cụ này chỉ có tác dụng với người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, còn đối tượng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì không được hưởng lợi.

Trong điều kiện đó, thời gian qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hợp lý nhằm hạn chế mức tăng mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng và đang tiếp tục đề nghị xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các chi phí cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (Premium, chi phí vận chuyển xăng dầu...) cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường, đồng thời giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Cụ thể, thời gian tới tình hình thế giới dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, cơ quan điều hành sẽ rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đặt mua theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực thiếu cục bộ...

(Theo dangcongsan.vn)


 

 

.
.
.