Chờ tín hiệu mới từ bưởi da xanh
(ABO) Thông tin lô bưởi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ vào ngày 28-11 tạo bước ngoặt mới cho hàng nông sản nói chung, trái cây nói riêng.
Đây cũng là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ sau vú sữa, nhãn, chôm chôm, thanh long… Và đây cũng chính là cơ hội để nông sản Việt hướng dần đến các chuẩn mực trong cả sản xuất và tiêu thụ.
Thông tin lô bưởi được xuất khẩu chính ngạch lần này đã tạo thêm phấn chấn cho người nông dân. Bởi thực tế vừa qua cho thấy, dù kỹ thuật canh tác đã được nâng lên khá nhiều, năng suất cũng tăng rất cao, nhưng khâu tiêu thụ bưởi vẫn còn nhiều bấp bênh.
Bưởi da xanh, một trong những trái cây chủ lực của Tiền Giang. |
Ông Nguyễn Văn Lễ, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, mấy ngày nay nghe thông tin bưởi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ cảm thấy phấn khởi hơn. Với gần 1 ha trồng bưởi da xanh đang thời kỳ cho trái nhưng những năm gần đây giá bưởi duy trì ở mức khá thấp, chỉ dao động trên dưới 20.000 đồng/kg, nên thu nhập của người trồng không cao. Thậm chí, trong giai đoạn dịch Covid-19, bưởi da xanh đã lao dốc, chỉ dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm rất khó tiêu thụ.
“Có thời điểm bưởi da xanh có giá ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg tại vườn, người trồng có thu nhập khá. Mấy năm nay bưởi rất khó tăng giá, nên khi nghe thông tin xuất khẩu chính ngạch bưởi sang Hoa Kỳ, nhà vườn rất kỳ vọng bưởi sẽ tăng giá, đời sống người nông dân bớt khó hơn”- ông Nguyễn Văn Lễ cho biết .
Thực tế cũng cho thấy, giá trị kinh tế từ bưởi da xanh mang lại, theo thống kê những năm gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, luôn duy trì ở mức khá cao. Theo đó, nếu tính với mức giá bán bình quân khoảng 48.000 đồng/kg, bưởi da xanh có thể lại lợi nhuận cho người trồng khoảng 709 triệu đồng/ha/năm; còn nếu ở mức giá bình quân 30.000 đồng/kg, bưởi da xanh cũng mang lại lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng/ha/năm.
Tiêu thụ bưởi da xanh. |
Đây cũng là một trong những lý do để bưởi da xanh tăng nhanh diện tích trong thời gian ngắn. “Với diện tích trồng lớn, ở khắp các tỉnh, thành và vào cao điểm thu hoạch, bưởi da xanh rất khó duy trì ở mức cao như trước đây. Nếu bưởi da xanh được xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần gia sản lượng tiêu thụ, kích giá tăng lên”- ông Nguyễn Trọng Nhân, một thương lái chuyên tiêu thụ bưởi da xanh cho biết.
Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây đặc sản không chỉ của Tiền Giang mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với đặc thù của vùng đất đầy phù sa, bưởi da xanh có môi trường tốt để phát triển và đạt năng suất rất cao. Đó cũng là một trong những lý do để diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu chỉ tính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện có hơn 5.000 ha trồng bưởi da xanh, nằm trong nhóm đầu về diện tích trồng cây ăn trái của Tiền Giang, chỉ đứng sau sầu riêng, thanh long, mít…
Còn trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng bưởi da xanh cũng rất lớn, hiện nay khoảng 32.000 ha, với tổng sản lượng đạt gần 370.000 tấn mỗi năm. Chưa hết, thông qua mức lợi nhuận của những năm trước, diện tích trồng bưởi da xanh còn được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, nâng tổng diện tích trồng bưởi da xanh cả nước đến nay hơn 105.000 ha.
Sự kiện bưởi da xanh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ hôm nay, cũng như các loại trái cây gần đây được xuất khẩu chính ngạch như sầu riêng, chắc chắn sẽ mang lại thông tin tốt lành cho người nông dân. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này là cả một chặng đường dài, với rất nhiều khó khăn ở nhiều khâu từ sản xuất đến cung ứng.
Dù thế nào đi nữa, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất là điều bắt buộc; bởi để được xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, từ việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng và hàng loạt tiêu chuẩn khác. Thế nhưng, đây cũng chính là cơ hội để sản xuất nông sản Việt Nam nói chung, trái cây nói riêng đi vào quy chuẩn, theo hướng an toàn cho người tiêu dùng. Kinh tế nông nghiệp cũng từ đó chuyển động.
TT