Khởi nghiệp thành công với một nghề đơn giản
Cập nhật: 21:53, 18/11/2022 (GMT+7)
(ABO) Những năm qua, Hội LHPN xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp”. Hội luôn đồng hành cùng chị em hội viên, phụ nữ trong khởi sự, kinh doanh với nhiều chương trình hỗ trợ ngồn vốn vay, tập huấn kỹ năng. Với những kiến thức được truyền tải, sự trợ lực của Hội LHPN xã Mỹ Hội mà hiện tại nhiều chị em phụ nữ tại địa phương đã rất tự tin khởi nghiệp, điển hình có chị Võ Thị Hậu đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình may gia công túi xách.
Chị Hậu (thứ 3 từ trái qua) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của bản thân. |
Khởi nghiệp với niềm đam mê từ nghề may và mong muốn tạo thêm việc làm cho những phụ nữ nhàn rỗi ở nông thôn xóm, ấp nên chị Hậu đã bắt tay vào may túi xách gia công. Ban đầu chỉ có 4, 5 chị em tham gia may cùng chị Hậu, với 1 máy lập trình và 5 máy may.
"Lúc đầu đến với may gia công túi xách từ số tiền vợ chồng tôi tích góp, cùng sự tiếp sức của Hội LHPN xã Mỹ Hội giúp tôi vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội được 50 triệu đồng cộng với số tiền 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang. Khi có vốn rồi, tôi lại tham gia lớp kỹ năng quản lý kinh doanh nhằm trang bị kiến để khởi nghiệp hiệu quả hơn. Hiện cơ sở may túi xách của tôi mỗi tháng xuất từ 250.000 đến 300.000 chiếc túi xách", chị Hậu cho biết.
Do nhu cầu xuất hàng túi xách ngày càng nhiều nên đến nay, cơ sở may gia công túi xách của chị Hậu đã có trên 70 thợ tham gia làm việc ở các công đoạn khác nhau, như: Đánh quai, may miệng, may viền, đáy giỏ. Trung bình 1 thợ giỏi sẽ có mức thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng; đối với thợ cắt chỉ, sếp túi xách làm việc theo thời vụ có thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nếu lãnh hàng về nhà làm, thì mỗi người sẽ có mức thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng.
Chị Hậu hướng dẫn những nhân công mới vào làm tại cơ sở may túi xách của chị. |
Chị Hậu cho biết, công việc may túi xách không quá phức tạp, chỉ cần học việc khoảng 1 tuần là người lao động có thể sử dụng máy may thuần thục, nắm được các kỹ thuật may cơ bản. Hơn nữa, túi xách được sản xuất là loại tự hủy, thân thiện với môi trường, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân công. Điều quan trọng là nhiều chị em phụ nữ có thể sắp xếp thời gian vừa may có thu nhập, vừa chăm sóc gia đình, tranh thủ làm thêm việc ruộng, vườn nên rất yên tâm gắn bó với công việc, không ít người đang làm công nhân trong các công ty lớn cũng quyết định chuyển về làm việc tại cơ sở may túi xách của chị Hậu.
Nhiều chị em làm việc tại cơ sở may túi xách của chị Hậu cho biết đều được mua bảo hiểm, chi trả tiền công đầy đủ, đã giúp cải thiện cuộc sống gia đình. Là một người khuyết tật, chị Võ Thị Diệu, quê ở tỉnh Kiên Giang vẫn có cuộc sống khá đầy đủ từ khi vào làm việc tại cơ sở may túi xách của chị Hậu. Chị Diệu cho biết: "Bản thân có sức khỏe kém nên rất khó tìm việc, nhưng qua giới thiệu của người quen, tôi được chị Hậu nhận vào cơ sở làm việc. Nhờ nguồn hàng dồi dào nên công việc luôn ổn định, thu nhập tăng cao nên tôi cũng như nhiều chị em rất phấn khởi".
Chị Hậu (thứ 3 từ trái qua) chia sẻ hành trình khởi nghiệp với chị em phụ nữ. |
Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Hội Phạm Thúy Hằng cho biết: Cơ sở may gia công túi xách của chị Hậu là mô hình phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tiêu biểu của xã Mỹ Hội. Mô hình này đã truyền cảm hứng khởi nghiệp, kinh doanh cho chị em phụ nữ và người dân địa phương. Cơ sở may gia công túi xách của chị Hậu đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là chị em phụ nữ tại địa phương.
Để khởi nghiệp thành công đã khó, song với phụ nữ việc khởi nghiệp thành công lại còn khó hơn rất nhiều, nhưng chị Hậu đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, vươn lên làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều người khác. Hy vọng trong thời gian tới, xã Mỹ Hội sẽ có thêm nhiều những hội viên, phụ nữ mạnh dạn, quyết tâm khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu, góp phần khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
SONG PHƯƠNG