Nâng cao năng lực kết nối nông sản và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp
(ABO) Ngày 1-11, tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Hội thảo Nâng cao năng lực kết nối nông sản, nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã (HTX) và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp UBND huyện Gò Công Tây tổ chức.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ; Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê; lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn, các HTX, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
PGS.TS Nguyễn Phú Son giới thiệu về những lợi ích và hiệu quả hoạt động của HTX sau khi tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Phú Son giới thiệu về những lợi ích và hiệu quả hoạt động của HTX sau khi tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, như: Chi phí sản xuất của HTX giảm từ 5% - 7%; năng suất tăng từ khoảng 15%; sản lượng tăng từ 16% - 18%; doanh thu của HTX tăng từ 15% - 20%; thu nhập của HTX tăng từ 10% - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên HTX, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho thành viên, người lao động của các HTX, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở...
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đại diện ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và huyện Gò Công Tây cho rằng, để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp trong thời gian tới là cần tăng cường cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật khi tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với nhiều hình thức linh hoạt. Liên kết giữa HTX với thành viên HTX thông qua hợp đồng hợp tác; liên kết giữa HTX quy mô lớn với các tổ hợp tác cùng ngành; liên kết giữa doanh nghiệp với HTX...
Hình thành các chuỗi giá trị theo 3 cấp độ: Sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm địa phương. Đồng thời, thông qua hội thảo nhằm giúp cho lãnh đạo các xã, thị trấn, các HTX, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Gò Công Tây nắm được các kiến thức về liên kết sản xuất cũng như nâng cao năng lực kết nối nông sản và triển khai tại địa phương, đơn vị mình trong thời gian tới…
Mô hình lúa ST24 tại huyện Gò Công Tây được áp dụng khoa học kỹ thuật mới, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hiệu quả cao. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã hình thành hơn 20 HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ chuyên về hàng nông sản cho nông dân như sản xuất lúa, bưởi, dừa, rau… Thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả, có lợi nhuận cho người nông dân khi tham gia vào mô hình HTX, tổ hợp tác khi được hỗ trợ chi phí sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
KIM LAN - QUẾ ANH