Thứ Năm, 10/11/2022, 15:39 (GMT+7)
.

Nhiều loại trái cây chờ vụ mùa mới

(ABO) Ghi nhận tình hình thực tế hiện nay cho thấy, ngoài sầu riêng, giá nhiều loại trái cây khác vẫn còn duy trì ở mức khá thấp, dù đã được cải thiện khá nhiều so với thời gian dịch Covid-19 diễn ra.

Dấu son đối với ngành hàng nông sản trong gần cả năm 2022 được ghi nhận ở trái sầu riêng nhờ thường xuyên duy trì ở mức giá khá cao, hiện đang dao động từ 60.000 - 75.000 đồng/kg. Điều này cũng một phần xuất phát từ thông tin xuất khẩu chính ngạch của loại nông sản này sang thị trường Trung Quốc kể từ tháng 7 sau khi nghị định thư được ký kết. Đây là một trong những loại nông sản có giá được cải thiện tốt nhất sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19.

Thế nhưng, theo thông tin từ người trồng cho biết, tình hình tiêu thụ nhiều loại nông sản khác cơ bản đã được thông thương hơn so với thời gian đầu năm 2022. Tuy nhiên, giá bán vẫn còn ở mức khá thấp trong khi chi phí đầu tư như phân, thuốc bảo vệ thực vật ở mức khá cao, nên thu nhập của người nông dân chưa được cải thiện mấy.

Nhóm cây có múi hiện có giá tương đối thấp.
Nhóm cây có múi hiện có giá tương đối thấp.

Bà Trần Thị Hằng, với 0,5 ha trồng bưởi da xanh ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo cho biết, gia đình vừa hái đợt bưởi với gần 1 tấn trái nhưng giá bán chỉ 17.000 đồng/kg (loại từ 1,2 kg/trái trở lên), bưởi dưới cân chỉ còn khoảng 50% giá. Như vậy, nếu tính bình quân, bưởi da xanh bán ra cũng chỉ khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg, nếu vườn bưởi đạt chất lượng tốt, ít bưởi lọt cân.

Cũng nhận định về tình hình tiêu thụ một số loại trái cây vừa qua, ông Huỳnh Nguyên Anh, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè cho biết, giá nhiều loại trái cầy trong năm nay tương đối ổn định hơn, nhất là sau khi dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát tốt. Chẳng hạn như mận, người nông dân chắc chắn có lãi, không đến nỗi như những năm trước. Cụ thể lúc vào mùa rộ mận có giá khoảng 15.000 đồng/kg nhưng khi hút hàng có thể nhảy lên đến 35.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi.

Một nhóm khác là mít, giá năm nay tương đối ổn định, chỉ có rớt giá đợt tháng 4, 5 âm lịch. Mít thương lái thường chia làm 4 loại, nếu tính loại 1 có bình quân trên dưới 20.000 đồng/kg tùy theo thời điểm, mang lại nguồn thu tương đối ổn định cho người trồng. Điểm đặc biệt là tình hình tiêu thụ mít năm nay cơ bản thông thoáng hơn những năm trước, giá cũng chỉ biến động nhẹ, không có chênh lệch nhiều như giá mận.

Riêng nhóm cây có múi như cam, bưởi vùng Cái Bè nói chung, xã Mỹ Lương nói riêng hiện nay diện tích trồng không nhiều như trước đây, nhưng nhóm hàng này giá trên thị trường không cao. Điển hình như bưởi lông Cổ Cò chỉ dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg loại 1, còn cam sành cũng chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Thu hoạch bưởi da xanh.
Thu hoạch bưởi da xanh.

Một trong những nguyên nhân làm cho giá bán không cao là sản lượng của các tỉnh khác hiện rất lớn. Chẳng hạn, bưởi da xanh, cam sành các vùng khác vẫn trồng được và đang tăng diện tích rất lớn. “Tuy nhiên, với mức giá của cây có múi như hiện nay thì người trồng không có lãi bằng các loại cây trồng khác do chi phí đầu tư lớn hơn nhiều. Đối với bưởi lông Cổ Cò như hiện nay, người trồng chỉ hòa vốn, hoặc lãi rất ít”- ông Huỳnh Nguyên Anh cho biết.

Còn theo đánh giá của các thương lái, tình hình tiêu thụ trái cây, đặc biệt là bưởi da xanh thời gian gần đây cơ bản được cải thiện nhưng vẫn còn chậm. Ông Nguyễn Trọng Nhân, một thương lái chuyên thu mua bưởi da xanh tiêu thụ vùng ven biên giới của tỉnh An Giang, một trong những nguyên nhân chính làm cho giá bưởi da xanh còn ở mức tương đối thấp là do sản lượng bưởi này hiện nay rất nhiều.

“Bên cạnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh diện tích trồng bưởi da xanh, các tỉnh miền Đông và những vùng khác cũng đẩy mạnh trồng. Ở thời điểm này, sản lượng bưởi da xanh ở các tỉnh miền Đông đổ về miền Tây rất nhiều, thậm chí giá còn rẻ hơn bưởi tại chỗ”- ông Nhân cho biết.

Nhìn trên bình diện chung, dù giá nhiều loại nông sản còn ở mức tương đối thấp nhưng cơ bản đã được cải thiện hơn rất nhiều so với thời gian chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian sắp tới, nếu tình hình thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc được thông thương hơn, việc xuất khẩu chính ngạch của các loại nông sản theo các nghị định thư được ký kết gần đây được tăng cường và tín hiệu lạc quan hơn của nền kinh tế, chắc chắn sẽ mang lại những dấu hiệu tốt hơn cho ngành hàng trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.

TA

.
.
.