Thứ Sáu, 18/11/2022, 21:57 (GMT+7)
.

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp từ cây lúa

Sáng 18-11, tại thành phố Cao Lãnh, Báo Thanh niên phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo "Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp từ cây lúa".

Đại biểu trình bày tại hội thảo.
Đại biểu trình bày tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng biên tập báo Thanh niên Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, cuối tháng 2/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; trong đó cho phép giảm 88.560ha diện tích đất trồng lúa, trong tổng số diện tích 3,9 triệu ha. Đồng thời, tổ chức lại không gian sản xuất, phối hợp phát triển đô thị và công nghiệp chế biến…

Bối cảnh đó đòi hỏi nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới.

"Nhưng, chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của đồng bằng sông Cửu Long; để các sản vật ở các địa phương bứt phá, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân? Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới của Việt Nam?", Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề.

Tại hội thảo, những vấn đề trên được lãnh đạo các tỉnh, các chuyên gia nông nghiệp phân tích, hiến kế, đề xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Để nâng cao giá trị cây lúa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến đã được triển khai để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất, đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân…

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Quốc Phong, những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa, khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững.

Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc nâng cao thu nhập người trồng lúa trong giai đoạn tới, nhưng việc triển khai thế nào vẫn cần huy động cả hệ thống chính trị, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân để cùng tìm ra câu trả lời.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay, cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế...

Đề xuất giải pháp cụ thể, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, cần quy hoạch lại vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững.

Thí dụ, vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được Nhà nước trang bị đầy đủ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao; hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo khách hàng đầu ra.

Vùng trũng, phù sa có phèn, hằng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều; khô hạn trong mùa nắng hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi hướng tới sẽ giảm diện tích lúa. Vùng ven biển là vùng sản xuất bền vững nhất: lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng.

“Để tạo điều kiện cho nông dân sử dụng hữu hiệu nước mặn trong mùa nắng, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi lấy nước mặn vào và đưa nước thải ra khu xử lý. Đồng thời, tiếp tục đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi thiết lập những vườn cây ăn trái hiện đại từ các diện tích lúa vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và vùng lúa tôm ven biển để nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận lớn hơn”, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.