Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Cập nhật: 15:42, 05/11/2022 (GMT+7)
(ABO) Ngày 5-11, tại Tiền Giang, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội thảo Dự án 8 - Cụm Tây Nam bộ với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy mô hình, hoạt động tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ phù hợp với đặc thù vùng miền”.
Tham dự hội thảo có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo 12 Hội LHPN các tỉnh Tây Nam bộ.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội thảo. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội thảo. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho rằng hội thảo rất có ý nghĩa, khẳng định được vai trò và trách nhiệm của chị em phụ nữ được nâng lên. Từ quyền năng, trách nhiệm trong gia đình và ngoài xã hội của chị em được mở rộng để thực hiện quyền năng phát triển kinh tế - xã hội và tham gia quản lý nhà nước, tiếp tục khẳng định bước tiến cho phụ nữ.
Tiền Giang luôn quan tâm đến phụ nữ, trên 51% dân số là phụ nữ. Năm 2022, các chỉ tiêu của Tiền Giang cơ bản đảm bảo, trong đó có sự đóng góp rất lớn của tầng lớp phụ nữ. Tỉnh luôn tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tự tin, tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên, đủ sức tham gia công việc đóng góp cho xã hội; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho phụ nữ, mở rộng các trung tâm đào tạo liên kết để phụ nữ có cái nhìn về phát triển kinh tế. Năm 2022, tỉnh Tiền Giang mở trên 100 lớp đào tạo nghề cho phụ nữ. Trong thời gian tới, UBND các cấp và các sở, ngành phải coi trọng việc thực hiện Dự án 8 là nhiệm vụ của ngành; gắn kết chặt chẽ giữa phụ nữ với các ngành.
Quang cảnh hội thảo. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu chân thành cảm ơn Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chọn Tiền Giang tổ chức hội thảo, để Tiền giang có cơ hội được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ.
Tại hội thảo, chuyên gia Vũ Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều nội dung về phụ nữ khởi nghiệp khó hay dễ; những lợi thế, rào cản mà phụ nữ gặp phải khi khởi nghiệp; vì sao phải khởi nghiệp; cú hích khởi nghiệp; tinh thần dám nghĩ - dám làm trong khởi nghiệp; giới thiệu những gương vượt khó khởi nghiệp thành công; những nguồn lực động viên cho phụ nữ khởi nghiệp…
Chuyên gia Vũ Thị Kim Anh trình bày tại hội thảo. |
Đặc biệt, chuyên gia Vũ Thị Kim Anh đã đưa ra 9 lưu ý khi khởi nghiệp gồm tinh thần khởi nghiệp; làm chủ hay làm thuê; phải học mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; tìm hiểu các vấn đề pháp lý và thuế; phải tìm được sự khác biệt của sản phẩm, địa phương, bán sản phẩm là bán câu chuyện; nâng cấp sản phẩm, định giá sản phẩm; cách quản lý dòng tiền; tạo lòng tin; mở rộng mối quan hệ.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện Hội LHPN các tỉnh Tây Nam bộ đã có nhiều tham luận xung quang các nội dung về xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và kết nối thị trường; các mô hình sinh kế hiệu quả, gắn với sản phẩm OCOP. Đồng thời, các tỉnh còn đề ra nhiều giải pháp để thực hiện Dự án 8 trong thời gian tới. Các sở, ngành, doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến thể hiện quan điểm đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp.
Đại diện sở, ngành, doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp, chia sẻ giải pháp thiết thực, nhiều mô hình hay của các tỉnh Tây Nam bộ. Hội thảo hôm nay có các vấn đề chung cần quan tâm gồm: Tuyên truyền vận động thiết thực nhằm lan tỏa các giá trị của các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, sinh kế bền vững; công tác phối hợp liên ngành, sự tham gia vào quản lý nhà nước của các tổ chức hội; phải phát huy được vai trò của tổ chức Hội LHPN là vai trò đại diện cho giới nữ, phát huy lực lượng nòng cốt; cần hiểu rõ nội hàm của nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là sẽ làm gì? Cụ thể là sinh kế bền vững để phụ nữ có điều kiện phát triển toàn diện hơn và cán bộ phụ nữ cần triển khai cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn hiểu rõ ý nghĩa nội hàm này, đồng thời tập trung nguồn lực, kinh phí để thực hiện…
Phó Chủ tịch hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu kết luận hội thảo. |
Đặc biệt, phụ nữ các tỉnh cần tận dụng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế; vận động sự đồng hành của nam giới, các sở, ngành; cần có cách hạn chế khâu trung gian khi tiêu thụ sản phẩm; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; biểu dương, khen thưởng định kỳ hằng năm đối với phụ nữ khởi nghiệp thành công…
Một số hình ảnh buổi hội thảo:
LÊ PHƯƠNG