Thứ Tư, 09/11/2022, 10:08 (GMT+7)
.

Tiền Giang hướng đến sản phẩm du lịch chất lượng cao

Để du lịch phát triển hiệu quả, bền vững, Tiền Giang đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó định hướng quan trọng là tạo ra nhiều sản phẩm mới.

NHẬN DIỆN HẠN CHẾ

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, công tác phát triển sản phẩm du lịch luôn được tỉnh chú trọng. Tỉnh đã đẩy mạnh khai thác các sản phẩm sông nước miệt vườn ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi và làng nghề truyền thống (huyện Cái Bè); vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); Khu du lịch biển Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm; Di tích lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Chiến thắng Ấp Bắc; tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực, nghe đờn ca tài tử…

Tỉnh còn liên kết, hợp tác phát triển vùng để cùng khai thác, bổ sung sản phẩm đặc trưng cho nhau giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, có 2 khu du lịch là Cái Bè và Thới Sơn thực hiện liên kết tuyến du lịch trong tỉnh với các tuyến ngoài tỉnh khá hiệu quả.

Nghi thức khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V.
Nghi thức khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Tiền Giang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: Chi tiêu của khách du lịch còn thấp; dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng điểm đến chưa cao; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở tỉnh có quy mô vừa và nhỏ; một số doanh nghiệp không có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, chỉ khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên và văn hóa sẵn có; cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch; việc mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhìn chung, các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp văn hóa với những sinh hoạt đặc trưng liên quan sông nước, miệt vườn, làng nghề, ẩm thực, đờn ca tài tử... là thế mạnh và có thể coi đó là thương hiệu nổi bật nhất của Tiền Giang. Tuy nhiên, đó cũng là những sản phẩm đặc thù và tiêu biểu của toàn vùng ĐBSCL.

Tiền Giang đã thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, nhưng khách đến chủ yếu với mục đích tham quan. Hiệu quả kinh tế từ du lịch thấp, chưa có nhiều dịch vụ gia tăng để thu hút và giữ chân du khách. Hiện nay, du khách đến Tiền Giang chủ yếu vẫn là tham quan, trải nghiệm du lịch sông nước, khám phá văn hóa nông thôn miệt vườn..., nhưng chỉ đi trong ngày là về.

NẮM BẮT XU HƯỚNG MỚI

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, để phát triển bền vững sản phẩm du lịch đặc trưng của Tiền Giang, tỉnh cần có giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng đạt chuẩn. Đồng thời, cần đổi mới cơ chế, chính sách về mở rộng điều kiện huy động vốn đầu tư ưu tiên cho xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.

Một giải pháp quan trọng là cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, đầu tư nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng. Đặc biệt là phát huy vai trò du lịch cộng đồng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Du khách quốc tế tham quan nhà cổ Ba Đức tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.
Du khách quốc tế tham quan nhà cổ Ba Đức tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.

Còn theo Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, trong bối cảnh hiện nay, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng gặp không ít khó khăn từ việc làm mới sản phẩm, thích ứng với những xu hướng du lịch mới đến việc đầu tư lại hạ tầng kỹ thuật vốn đã bị xuống cấp sau 2 năm đại dịch. Đặc biệt, tỉnh cần chú ý tập trung đến một vấn đề mang tính then chốt trong phát triển du lịch là nguồn nhân lực. Nếu có nguồn nhân lực tốt thì chất lượng dịch vụ tốt, sẽ cho ra đời các sản phẩm du lịch tốt, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư...

Để có được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho ngành, tỉnh không chỉ cần có những giải pháp căn cơ cho công tác đào tạo, mà tiếp theo đó còn cần có chính sách thu hút nhân lực và chính sách giữ chân người lao động.

Việc cần làm trước tiên là các doanh nghiệp gọi lại những nhân sự có tay nghề phải nghỉ việc trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua và đào tạo lại theo hướng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong tình hình mới. Về lâu dài, ngành Du lịch Tiền Giang cần điều tra thực trạng nguồn nhân lực trong toàn ngành để từ đó xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực cho 5 năm sắp tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu, định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới là xây dựng những sản phẩm có chất lượng cao sát với tình hình thực tế của tỉnh. Sản phẩm du lịch bao gồm các làng nghề, sản phẩm của người dân địa phương, văn hóa, lễ hội, sự kiện. Tỉnh cũng sẽ quan tâm xây dựng phát triển du lịch cộng đồng với tinh thần mở rộng, nâng cao tiềm năng của địa phương trong phát triển du lịch gắn với trách nhiệm của người dân, cộng đồng, xã hội.

Một định hướng quan trọng nữa là liên kết, kết nối các tour tuyến du lịch, các doanh nghiệp không chỉ của Tiền Giang, mà còn với các tỉnh, thành ĐBSCL và cả nước. Điều này sẽ giúp tạo ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu mới, thay đổi mới của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, gắn phát triển du lịch với nhu cầu kêu gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh của Tiền Giang đối với bạn bè trong và ngoài nước.

Tinh thần là xây dựng hình ảnh của Tiền Giang ngày càng tốt đẹp hơn. Vấn đề quan trọng không kém hiện nay là cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, cán bộ, công chức, người dân cũng phải có kiến thức về du lịch để tạo ra sản phẩm ngày càng chuyên nghiệp hơn, gắn liền với đó là phát triển du lịch số, chất lượng cao, phù hợp với tình hình của tỉnh.

M. THÀNH - C. THẮNG

.
.
.