Tiền Giang: Kích cầu tiêu dùng hàng Việt
Dịp cuối năm, nhất là vào cao điểm tiêu dùng của Tết Nguyên đán, là cơ hội để các đơn vị sản xuất quảng bá sản phẩm và cũng là dịp kích cầu tiêu dùng, trọng tâm là hàng Việt.
Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm hướng đến, được đề cập trong kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa tết do UBND tỉnh đề ra. Thời điểm này, các đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2023 đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Các đơn vị đang tập trung hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu cuối năm. |
Đánh giá về thị trường cuối năm cũng như dự định về kế hoạch kinh doanh, Giám đốc Co.opmart Cai Lậy Nguyễn Văn Võ cho biết, đơn vị đang triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa tết như đăng ký với tỉnh. Hiện nay, một số nhóm hàng hóa nằm trong kế hoạch đã về kho để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian đến Tết Nguyên đán còn khá dài, nên vào từng thời điểm và tùy vào sức mua của thị trường, đơn vị sẽ chuyển hàng về phục vụ.
Tất nhiên, hệ thống đã làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng về lượng hàng theo kế hoạch phục vụ tết năm nay. Diễn biến thị trường những ngày gần đây cho thấy, một số nhóm hàng có dấu hiệu tăng giá từ 5% - 7%, như nhóm sữa, nhưng hệ thống cũng đã làm việc với nhà cung ứng để cố gắng giữ mức giá bình ổn.
Riêng sức mua hiện tại vẫn nằm ở mức bình thường, còn theo dự đoán đến cao điểm mua sắm cuối năm nhu cầu của thị trường có thể tăng khoảng 10%. Mặc dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi như biến động của giá xăng, dầu, tình hình thế giới phức tạp… nên rất khó dự đoán chính xác nhu cầu mua sắm trên thị trường cuối năm” - ông Nguyễn Văn Võ cho biết.
Các đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa tết sẽ được xem xét vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, có xem xét ưu đãi về lãi suất (giảm từ 1,5% - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường); hỗ trợ cho đơn vị có đề nghị vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian 4 tháng, với tổng số tiền vay dự kiến hơn 25 tỷ đồng, thời gian ưu đãi kể từ ngày bắt đầu giải ngân; nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị tham gia sẽ được hỗ trợ kinh phí treo 2 băng rôn/điểm bán hàng (1 băng rôn treo trước cửa và 1 băng rôn treo tại nơi trưng bày hàng hóa bình ổn). |
Vào dịp cuối năm, nhất là đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tăng khá cao. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao, kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa cũng được các ngành, đơn vị cung ứng tính toán. Theo thông tin từ Sở Công thương, đến nay có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký chương trình dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và đã được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - TP. Mỹ Tho, Hợp tác xã Vĩnh Kim, Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát, Chi nhánh Công ty TNHH EB Tân Phú tại Mỹ Tho (đặt tại Trung tâm Thương mại dịch vụ Go! Mỹ Tho) và Cửa hàng Winmart (+) TX. Gò Công.
Các đơn vị thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán năm nay với tổng trị giá vốn hơn 453 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 120 tỷ đồng. Để triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tham gia cung cấp kịp thời, đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ưu tiên dự trữ, cung ứng hàng Việt Nam, góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, phục vụ người tiêu dùng, chú trọng các đối tượng chính sách, hộ nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn.
Trên thực tế, kế hoạch về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán đã được triển khai thực hiện nhiều năm và phát huy hiệu quả tích cực. Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu là nhằm góp phần bình ổn thị trường, tránh biến động giá và đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngoài ra, những mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát… cũng đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã chuẩn bị dự trữ phục vụ cho dịp tết sắp tới. Ngoài triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa, Chương trình bán hàng bình ổn giá hướng vào mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng sẽ được triển khai thực hiện, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn như: Gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt gia súc, thịt gia cầm…
Đại diện một đơn vị kinh doanh cho biết, hiện nay hàng Việt chiếm trên 90% trong hệ thống cung ứng sản phẩm. Dịp tiêu dùng cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thường tăng rất cao. Do đó, đây là thời điểm rất tốt để kích cầu hàng Việt.
T.A